Ý THỨC VÀ VÔ THỨC

6164

Năm 1900 S. Freud, cha đẻ của phương pháp phân tâm học đã đưa ra khái niệm về cấu trúc của bộ máy hoạt động tâm thần mà ông gọi là topique thứ  nhất và năm 1920 ông lại đưa ra topique thứ hai để giải thích về cơ chế hoạt động tâm thần của con người.

Trong topique thứ nhất ông đề cập đến ba vùng trong tổ chức hoạt động của tâm thần đó là: Vô thức (inconscient) – Tiền ý thức (préconscient) và ý thức (conscient). Đây không phải kết qủa của một định đề, nhưng là kết qủa quá trình quan sát và một quá trình thực hành mà Freud đã xây dựng nên. Theo ông vô thức là phần chính yếu của tất cả đời sống hoạt động tâm thần. Ý thức chỉ là những biểu hiện, biểu lộ bên ngoài của các hoạt động tâm thần mà thôi. Điều này khác hẳn với các thuyết từ trước luôn cho rằng ý thức là một hệ thống chính yếu, điều hoà mọi hoạt động tâm thần, ông coi ý thức chỉ biểu hiện nông cạn nhất của đời sống tinh thần.

Khái niệm về vô thức đã có ngay từ những nghiên cứu đầu tiên về Hysterie của Freud. Trong các nghiên cứu về những giấc mơ, ông đưa ra có hai loại giấc mơ: loại thứ nhất có nội dung dễ hiểu. Loại thứ hai nội dung biểu lộ tìm cách che dấu đi bằng những cơ chế như hoán đổi, cô đọng và biểu tượng hoá. Nhờ vào ba cơ chế chính yếu này, cái nội dung tiềm tàng, đích thực của giấc mơ đã được biểu lộ dưới một dạng khác, đã được cải trang làm ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của nó nữa.

Vô thức có thể được xem như một vùng hoạt động của não bộ, có một nội dung, có những cơ chế và có thể có một năng lượng đặc biệt. Giữa vô thức và ý thức có một rào cản mà Freud gọi là “kiểm duyệt”. Ông phân biệt hai loại hình tượng ở vùng tiền ý thức, có nghĩa là những biểu tượng này có thể chuyển qua vùng ý thức một cách không khó khăn gì. Loại thứ hai là những biểu tượng ở trong vùng vô thức, có ngĩa là chúng bị dồn nén mạnh mẽ, nhưng chúng vẫn còn hiệu lực và xác định như sự hình thành những giấc mơ, những hành vi vô ý, những câu nói lỡ hay những triệu chứng loạn thần kinh, loạn tâm thần. Vô thức không chỉ là những tư duy tiềm ẩn, tiềm tàng mà có nó còn có tính chất đặc biệt là tính động, cho dù cường độ và hiệu năng của chúng, nhưng chúng không thể xâm nhập sang vùng ý thức một cách dễ dàng. Đã từ lâu người ta đồng hóa vô thức với sự dồn nén, mặc dù vậy Freud đồng ý là có những phần chứa đựng những nội dung không phải do dồn nén mà là do quá trình di truyền, chính chúng đã hình thành nên hạt nhân của vô thức. Sự dồn nén mang đi biểu tượng tâm thần của xung động, vai trò của sự dồn nén không phải là làm mất đi biểu tượng tâm thần xuất phát từ xung động mà là giữ biểu tượng tâm thần này ở vùng vô thức, sự giữ biểu tượng tâm thần này cần thiết phải sử dụng một năng lượng liên tục. Có nghĩa là sự dồn nén luôn luôn chịu một áp lực từ ý thức và một lực phản hồi của vô thức mà chính nó phải giữ cân bằng. Chính sự dồn nén này điều hành hiện tượng quên ở trẻ em (sự xóa các kỷ niệm ở những năm đầu có thể không liên quan đến sự thiếu vắng hay từ chối ghi nhận mà có lẽ là do sự dồn nén), dồn nén vào vô thức một số những rung động này mang đến không chịu đựng nổi.

Như đã nói ở trên, năm 1920 Freud đưa ra một quan niệm mới về bộ máy tâm thần trong đó có ba cấp độ: “Cái đó” (Ca), “Cái tôi” (Moi) và “Cái trên tôi” (Surmoi) nhưng trong những cấp độ mới này người ta cũng nhận thấy những đặc tính của vô thức và người ta nhận thấy chúng đều có nguồn gốc và một phần của vô thức.
Hệ thống của “Cái đó” tương ứng với lớp cơ bản xưa nhất ở cực xung động của nhân cách và lẫn với những hệ thống vô thức đã nói ở trên. Tuy nhiên không phải tất cả chỉ là vô thức mà một phần của “Cái tôi” và “Cái trên tôi” cũng nằm trong vô thức. “Cái đó” chính vì vậy không đơn giản chỉ là cái bình để chứa những xung động di truyền và bẩm sinh mà nó còn chứa đựng những nội dung thu được, có nghĩa là những nội dung bị dồn nén. “Cái đó” hoạt động theo những dạng, những nguyên tắc khác với các dạng các nguyên tắc của ý thức. Ở đó không tuân theo những nguyên tắc về thời gian, không có sự mâu thuẫn, nó không hề biết nhận định, đánh giá giá trị, không có khái niệm tốt, xấu, đạo đức, luân lý. Nó chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn sung sướng, đáp ứng những đòi hỏi bàn năng và nó chỉ tuân theo nguyên tắc thỏa mãn. Freud khẳng định “Cái đó” chỉ là một sự hỗn độn về tổ chức.

Hệ thống của cái “Cái tôi” so với topique thứ nhất “Cái tôi” được xác định ở ý thức hay tiền ý thức. Hoạt động của “Cái tôi” là ý thức liên quan đến những tri giác thuộc về bên ngoài, bên trong và những quá trình trí tuệ, nó giữ vai trò trong những mối quan tâm và những cảm giác đạo đức, luân lý. Nhưng người ta phải đồng ý rằng hoạt động của “Cái tôi” ở tiền ý thức có thể dẫn đến ý thức trong trường hợp cần thiết nhưng cũng có thể dồn nén vào vô thức bằng một số cơ chế tự vệ.

“Cái tôi” đảm trách công việc tự bảo quản, thu nhận các kích thích bên ngoài trong khi loại bỏ những kích thích quá đáng, nhờ hoạt động của nó đã tạo ra những thay đổi có lợi cho cá thể. Về các yế tố bên trong nó đảm trách chức năng giữ sự kiểm soát những đòi hỏi bản năng cho phép hay không cho phép, những đòi hỏi được thỏa mãn hay không, hoặc hoãn lại vào một thời điểm nào đó phù hợp hơn và cũng có thể loại bỏ hoàn toàn. Trong số những chức năng của “Cái tôi” có sự lựa chọn các giải pháp, có sự kiểm soát thực hiện, có thể coi như “Cái tôi” chịu trách nhiệm về chức năng đạo đức, luân lý của nhân cách.

Hệ thống của “Cái trên tôi” được hình thành từ  “Cái tôi” do sự nhập nội những sức ép mà cá nhân gặp phải trong suốt quá trình phát triển. Vai trò của “Cái trên tôi” như một quan tòa, người kiểm duyệt đối với “Cái tôi”. Hoạt động của nó dựa trên ý thức đạo đức, thái độ tự phê phán và sự cấm đoán. Nó hoạt động hoặc là để chống lại những thỏa mãn xung động, hoặc là phê phán những sự tự vệ mà cái tôi đưa ra với những xung động vô thức “Cái trên tôi” được hình thành bởi quá trình xác định bản thân của trẻ theo gương của cha mẹ và những nguyên tắc, luật lệ, phong tục, tập quán, nền văn hoá nơi trẻ sinh sống.

Theo thuyết phân tâm học, quá trình hình thành nhân cách con người chính là quá trình hình thành và phát triển, giải quyết các mâu thuẫn, các xung đột giữa “Cái đó”, “Cái tôi” và “Cái trên tôi”. Trong quá trình này tuỳ thuộc vào từng cá thể, từng hoàn cảnh, điều kiện, có thể cá nhân sẽ trở nên một người hoàn toàn bình thường, cũng có thể trở thành một người bệnh hoạn thần kinh mà các triệu chứng của nó chính là những biến hình của các mâu thuẫn, những xung đột chưa được giải quyết giữa “Cái đó” và “Cái trên tôi” hay nói các khác, các triệu chứng loạn thần kinh chính là những thỏa hiệp của những xung động vô thức và sự dồn nén của ý thức thông qua “Cái tôi” hay sự kiểm duyệt ở vùng “Tiền ý thức”.

BS Trịnh Tất Thắng, giám đốc, Bệnh Viện Tâm Thần

Chia sẻ