TUỔI TRUNG NIÊN: TĂNG CHOLESTEROL, THÊM NGUY CƠ SA SÚT TÂM THẦN.

61

Cả bác sĩ và người bệnh đều cần hiểu rằng nồng độ cholesterol trong máu tăng không chỉ có nguy cơ gia tăng bệnh về tim mạch mà còn có nguy cơ sa sút tâm thần. Người cao tuổi đang dần dần chiếm tỷ lệ cao và việc phòng ngừa nguy cơ bệnh tim mạch và sa sút tâm thần từ tuổi trung niên có thể góp phần giảm chi phí chăm sóc y tế.

Bs Alia Solomon Trưởng nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kuopio Phần Lan cho biết “ ở tuổi trung niên, ngay cả khi cholesterol trong máu tăng ở mức độ trung bình ( 200 – 239 mg/Dl) cũng ảnh hưởng nhiều đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ( Alzheimer’s Disease: AD) và sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu (Vascular Dementia: VaD)”.

Đây là kết quả của một nghiên cứu trên 9844 bệnh nhân được theo dõi chi tiết và đánh giá sức khỏe từ năm 1964 đến 1973, vào những năm này, họ ở độ tuổi 40- 45. Thống kê đến năm1994 có 469 người mắc AD, 127 người bị VaD và đang được theo dõi nghiên cứu tiếp đến nay. Ngoài ra các nhà nghiên cứu còn khảo sát các số liệu tuổi, giới tính, học vấn, nhóm chủng tộc, bệnh tiểu đường, ao huyết áp, chỉ số cơ thể (BMI) và đột qụy.

Kết quả trên hoàn toàn không ngạc nhiên, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên kết giữa nồng độ cholesterol cao trong máu và nguy cơ sa sút tâm thần. Tuy nhiên, nghiên cứu này có thời gian dài hơn, bao gồm mẫu dân số đa dạng và có những tiêu chuẩn đánh giá  hợp lý về VaD và AD.

Cơ chế của mối liên kết cholesterol và sa sút tâm thần hoàn toàn chưa rõ. Kết quả nổi bật ở nghiên cứu này là sau khi xử lý các yếu tố mạch máu liên quan và tình trạng sa sút trí tuệ cho thấy có thể bao gồm các cơ chế khác. Não bộ là cơ quan giàu cholesterol nhất trong cơ thể con người, nhưng chưa được nghiên cứu nhiều về tương tác với nồng độ cholesterol trong máu. Ts Robert Stewart Trưởng khoa dịch tễ học Viện tâm thần Trường ĐH King London Anh Quốc nhận xét thời gian của nghiên cứu trên là tin tưởng và kết quả này là bằng chứng những gì xấu đối với tim mạch cũng xấu đối với não bộ – nghĩa là các yếu tố nguy cơ đối với bệnh động mạch vành và đột qụy cũng phổ biến như các yếu tố nguy cơ sa sút  trí tuệ.

Đây thực sự là một thông tin cho các bác sĩ lâm sàng nhận thức rằng: luôn sẵn sàng kiểm tra và điều trị cholesterol máu cao, huyết áp cao, tiểu đường và chế độ ăn hợp lý, sống năng động – sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, giảm nguy cơ sa sút tâm thần cũng như giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Về giảm nguy cơ bệnh tim mạch, trước hết vẫn là tránh xa stress (chẳng khó khăn gì nếu chúng ta chấp nhận và đồng thuận một cách tích cực với những gì chúng ta đang có) đồng thời theo dõi điện tim (ECG) và tiến hành kiểm tra “mỡ” trong máu như cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, Triglycerides,…

“Sống năng động” được hiểu là thường xuyên họat động thể dục thể thao phù hợp như đi bộ đúng cách, rèn luyện suy nghĩ tích cực nhằm tránh stress. Rèn tập họat động trí nhớ rất quan trọng đối với người trung niên khi bắt đầu có hiện tượng “quên vặt”. Thường xuyên gặp mặt con cháu, người thân (hay ngược lại), nhắc lại các kỷ niệm vui hoặc gợi nhớ ca dao, câu hò, tích xưa chuyện cũ từ những câu, chữ liên quan trong đời thường, v.v… Những người khi trẻ được học hành nhiều thì chơi cờ, xếp chữ, du lịch hình ảnh cùng người thân, v.v…Họat động trí óc càng nhiều càng ít nguy cơ suy giảm khả năng nhận thức, có nghĩa là giảm nguy cơ sa sút tâm thần. Cũng cần khám chuyên khoa tâm thần sớm, hiện nay có nhiều thang lượng giá có thể phát hiện và đánh giá sớm khả năng thay đổi của nhận thức, trí nhớ, v.v…

Bs Phạm Văn Trụ BV TT Tp HCM.