“Bị bệnh tâm thần” hay phổ thông hơn, “bị thần kinh” là những từ không người nào muốn nghĩ tới hay muốn phải nghe tới từ trong gia đình, đoàn thể, trường lớp và đến phố hẻm, làng quê…, thậm chí xa hơn nữa tới những nhân vật nổi tiếng toàn cầu.
Vậy làm sao phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn ? Có lẽ, đầu tiên và đơn giản là phát hiện những biểu hiện bất thường, sai lệch với “chuẩn phát triển và hoạt động tâm thần” ở từng nhóm tuổi, ở từng nhóm nghề nghiệp và thành phần xã hội. Do xã hội luôn có áp lực phát triển, do biến cố, thảm họa, do di truyền nên thời điểm nào các bất thường hay sai lệch trên xuất hiện. Đó chính là những nhóm triệu chứng tâm thần, nhưng nhóm nào hay gặp hơn ?
Tạm hiểu, và tạm xếp các nhóm triệu chứng hình thành bệnh tâm thần thành 2 phần như bảng đen học trò:
- Một bên: là các triệu chứng “loạn thần” như nói năng không câu cú, không rõ nghĩa; nói cười chỉ chỏ với ý tưởng nào đó trong đầu, nói một mình ý tưởng bị hại phi lý, sẽ nhiều tài năng, giàu có, v.v… kèm theo hành vi “không có trong chuẩn” hoạt động tâm thần bình thường, né tránh, gây gổ, hành vi tác phong này đôi khi rất “dị”, kỳ cục không tưởng nổi.
Người già bị sa sút tâm thần (điển hình Alzheimer) cũng xuất hiện triệu chứng hoang tưởng ảo giác, thường kèm xung động hành vi bất thường đột ngột.
- Một bên (theo quan niệm xưa) là các triệu chứng “suy nhược thần kinh”, ngày nay được chỉ ra một cách cụ thể theo các chẩn đoán, dù sơ bộ với các chuẩn như:
- Các triệu chứng của tình trạng stress; áp lực kéo dài đau đầu mất ngủ ảnh hưởng cuộc sống, làm việc giảm hiệu quả.
- Các triệu chứng của rối loạn lo âu, nhức đầu khó ngủ không tập trung (nhớ tới quên liền, nhớ sang chuyện khác), ý tưởng suy nghĩ trong đầu gián đoạn, bứt rứt bồn chồn, v.v… ăn không ngon, …
- Các triệu chứng lo âu nặng hơn thành cơn hoảng loạn: sợ vô cớ, cảm giác ép ngực, đau vùng thượng vị, đau đầu tay chân lạnh, cảm giác đau lạnh bụng mắc “đi tiểu tiện”, bối rối, muốn “cầu cứu” người thân, hay phải đi bệnh viện cấp kỳ. Nhập viện cấp cứu đa khoa được đo huyết áp, điện tâm đồ bình thường, bác sĩ an ủi, nghỉ ngơi … rồi ra về với chẩn đoán không cụ thể như “rối loạn thần kinh thực vật”!
- Các triệu chứng trên nặng hơn với các biểu hiện buồn chán thất vọng, khó ngủ nhiều hơn, nhiều ý nghĩ “tiêu cực” xuất hiện, … Nói cụ thể là rối loạn lo âu kết hợp các triệu chứng trầm cảm.
- Thường lo nghĩ về một ý tưởng hay “khó khăn” gì đó cùng các triệu chứng lo âu kể trên. Biết ý tưởng khó khăn này là vô cớ, là sai chuẩn nhưng cứ phải nghĩ tới, “đuổi không đi”.
- Các ý tưởng hay “khó khăn” kể trên xuất hiện sau khi các lo âu ám ảnh sợ kể trên “bị kích hoạt” với cường độ mạnh, không kiểm soát được kèm theo các triệu chứng “thần kinh”. Tình trạng này có thể dẫn đến hành vi phản kháng nguy hiểm cho bản thân và cả người ngoài. Sơ bộ gọi là cơn xung động ám ảnh cưỡng chế.
- Các triệu chứng buồn rầu, mất hứng thú, trống trải, mệt mỏi chậm chạp, mặc cảm thua kém, khả ăng tập trung làm việc giảm, mất ngủ, nghĩ tới cái chết là những biểu hiện cơ bản của trầm cảm.
Bao trùm lên các triệu chứng là các kiểu rối loạn giấc ngủ, như ngủ chập chờn, ngủ thức giấc sớm không ngủ lại được, không ngủ trắng đêm, ngủ mà như thức, ngủ mơ mộng đều có ý nghĩa bổ sung cho các chẩn đoán nhóm bệnh “suy nhược thần kinh” kể trên. Trường hợp bệnh nhân (đa số là nữ) khai không áp lực, không lo âu trầm cảm hay ám ảnh điều gì mà mất ngủ cần được đánh giá nhiều lần ( sẽ lộ ra nguyên nhân sâu xa) để tránh uống nhiều loại thuốc.
Từ các triệu chứng trên, nếu được “sắp xếp” tốt sẽ đưa ra các chẩn đoán sát thực hơn khi áp dụng những hiểu sâu hơn về các lĩnh vực văn hóa. Nên nhớ các biểu hiện trên, trong thực tế còn phong phú đa dạng hơn nhiều vì “tâm lý”, vì ‘tâm tính” thay đổi ở từng lứa tuổi, ở từng cộng đồng dân cư rất khác nhau. Lời khai triệu chứng và đánh giá khách quan của bác sĩ có vai trò khá quan trọng, và quan trọng hơn nữa khi người bệnh đến khám sớm (nhất là trẻ vị thành niên và … cả sinh viên) vì đặc điểm khởi phát bệnh ở nhóm tuổi này.
Như vậy, nếu có các biểu hiện hay triệu chứng kể trên chúng ta nên khám chuyên khoa tâm thần vì mỗi biểu hiện hay triệu chứng kể trên đều xuất phát từ những cơ sở bệnh lý đã được các nhà khoa học tìm ra “chứng cứ” từ các hoạt động tại thụ thể tế bào thần kinh trung ương (các chất vận chuyển thần kinh dopamine, serotonine). Điều đáng lưu ý là khi sử dụng các thuốc dựa trên cơ chế hoạt động của serotonine, của dopamine thường xảy ra những nghịch lý và cần được lường trước và tránh nguy cơ không mong muốn xảy ra. Đồng thời là các chứng cứ sinh dược học tâm thần tương ứng của các phát minh về dược học (các loại thuốc chuyên khoa) các bác sĩ cần phải làm chủ được những kiến thức này để kê toa điều trị thích hợp nhất. Thực tế với hơn 10 loại thuốc chống trầm cảm, gần 10 loại thuốc nhóm an thần giải lo và một số loại thuốc ngủ nhóm “Z” phổ biến hiện nay đều có tác dụng hiệu quả trên các biểu hiện triệu chứng kể trên, nhưng sự lựa chọn kết hợp thuốc cần có những nhìn nhận cẩn thận nhất định.
Bài viết dựa trên thực tế thăm khám, tư vấn và điều trị ngoại trú hàng ngày, cố gắng thu gọn dành cho bạn đọc những nhận định phổ thông nhất nên không tránh khỏi thiếu sót hoặc mắc lỗi ngớ ngẩn. Có thể nói, cho tới hiện tại những hiểu biết về hoạt động tâm thần của con người chưa hoặc không bao giờ là đủ. Bài viết đã đăng trong blog bsphamvantru.blogspot.com bạn đọc có thể tìm hiểu thêm cũng như liên hệ ĐT 091 8332 893. Trân trọng.
Bs Phạm Văn Trụ.