TÂM THẦN VÀ PHÁP LUẬT

3001

Nhân một trường bị người nhà đưa vào Bệnh viện tâm thần
Báo CA TP. HỒ CHÍ MINH đã đăng

Nhân sự việc vợ thuê người tới nhà áp tải chồng đưa vào BVTT điều trị. May mà sự việc được giải quyết “êm” là vì “người bệnh” bãi nại, cho rằng vợ con nóng giận làm, không kiện cáo.

Nhưng dư luận xôn xao, nhiều ý kiến bất bình, chât vấn lãnh đạo bệnh viện. Đây là một sự cảnh tỉnh, hiện tượng này trong ngành Tâm thần trên thế giới và ở nước ta cũng đã xảy ra một số nơi, ngày càng nhiều và càng phức tạp. Vì là Bệnh viện trung ương chỉ đạo chuyên môn với tư c1ch là người làm thực hành lâm sàng và giám định pháp y tâm thần hàng ngày chúng tôi nhận được nhiều chất vấn về việc này như: hiện tượng này ai đúng, ai sai? Sai ở góc độ nào? Có vi phạm pháp luật hiện hành của nước ta không? Nếu xử thì bị tội gì? Trong khi chưa có Luật sức khỏe tâm thần thì hệ thống luật pháp nước ta hiện tại có đủ để bảo vệ người dân, thầy thuốc nhân viên ngành y tế (ngành tâm thần) khỏi hệ lụy về vấn đề này không? Ta cần rút ra bài học gì, từ hiện tượng này? Và nếu còn xảy ra tình huống này thì ta phải xử trí ứng phó ra sao?

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra đòi hỏi ta phải lý giải!.    

Hiện nay sự  tranh chấp dân sự (nhân thân, tài sản, quyền thừa kế, quyền chăm nuôi…) liên quan đến một con người xảy ra rất nhiều càng không loại trừ khả năng đưa một người nào đó vào bệnh viện tâm thần để trù dập, để vô hiệu hóa quyền tự do cá nhân, quyền đấu tranh, phát ngôn của người đó làm mất phẩm giá và danh dự của họ. Cũng không loại trừ một số người có những biểu hiện rối loạn hành vi ứng xử chỉ nhằm vào một số đối tượng một số hoàn cảnh, còn đối với các đôi tượng khác trong hoàn cảnh khác thì lại cư xử bình thường (như chỉ khó chịu, hằn học đối với vợ, con, gia đình; khi ra xã hội thì cư xử bình thường).

Chính vì vậy chúng tôi vẫn thường xuyên gặp cảnh vợ đưa chồng tới BVTT thì bố mẹ em chồng hay bạn bè đồng nghiệp tới đòi đưa người đó ra. Tranh chấp nhau rất quyết liệt tại bệnh viện rất khó giải quyết.

Thực tế người ta thấy ở nhiều BVTT có khi quyền con người bị tước đoạt, dư luận miệt thị và vào BVTT là bị mất quyền công dân, có đòi được lại cũng rất phức tạp. Chính vì lẽ đó ở đa số nước Luật SKTT đều quy định vào BVTT điều trị có 3 hình thức:

1/ Nhập viện tự nguyện là tự đương sự đến xin nhập viện theo quyền tự do cá nhân, không ai có quyền ngăn cản hay gây trở ngợi và họ tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Luật Bảo vệ Sức khỏe nhân dân (SKND) của nước ta cũng quy định mọi người dân đều có quyền khám chữa bệnh, cơ quan y tế phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền này.

Tuy nhiên đối với BVTT thì phải đề phòng đối tượng giả bệnh vào viện để lẩn tránh xã hội, lẩn tránh pháp luật, chạy tội vì vậy tuy tự nguyện đương sự cũng phải có giấy giới thiệu của cơ quan, của y tế cơ sở, có chứng minh nhân dân …

Và có được vào viện hay không là quyền quyết định của bác sĩ tiếp bệnh. Bác sĩ tiếp bệnh cho vào nhập viện phải khám xét xác nhận xem người đó có bệnh hay không bệnh mức độ nào, có cần nhập viện hay không? khi đã ký giấy cho vào viện ít nhiều bác sĩ cũng liên đới trách nhiệm.

2/ Nhập viện theo yêu cầu của người khác (còn gọi là người thứ ba, ngoài bệnh nhân và pháp luật)

Vì người bệnh tâm thần ít có người tự biết mình bị bệnh, tự biết sự cần thiết phải chửa bệnh. Bệnh tật của họ nhiều khi không những gây hại cho bản thân họ mà còn cho người khác,gia đình và xã hội. Có nhiều trường hợp gia đình, cơ quan, chính quyền địa phương phải đưa tới BVTT để điều trị. Lúc đó quyền tự quyết của bệnh nhân bị gạt sang một bên. Ít nhiều sự  nhập viện của bệnh nhân cũng mang tính ép buộc. Lúc này trách nhiệm nhân sự và hình sự (nếu có) của vụ việc là người thứ ba phải chịu.

Ở các nước Âu – Mỹ phát triển đề cao quyền con người, quyền tự do cá nhân nên việc này được quy định rất chặt chẽ. Người yêu cầu người khác vào viện phải có tư cách pháp nhân và có quan hệ rõ ràng với đối tượng, sẵn sàng chịu mọi yêu cầu của pháp luật. Nếu mọi yêu cầu của họ bị phát hiện là sai có ý đồ xấu, phi y tế thì họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Nhưng dù sao cũng phải qua bác sĩ tiếp nhận, bác sĩ nhận biết sự cần thiết nhập viện hay không theo quy định chuyên môn nghiệp vụ. Khi ký giấy bác sĩ cũng chịu trách nhiệm liên đới về việc điều trị của mình.
Ở nước ta có truyền thống từ trước tới nay mọi vấn đề chăm sóc sức khỏe đều do gia đình đảm nhận mà người đảm nhận chính việc này là người mẹ, người vợ sau đó mới đến các ngướn thân khác phù hợp với truyền thống đạo lý tình cảm và quyền thừa kế xã hội vì vậy gần như mọi quyết định đưa người nhà đi chữa bệnh đều coi là hợp lý và dễ dàng chấp nhận. Chuyện đưa người nhà vào bệnh viện với ý đồ xấu là rất hiếm.

3/ Điều trị theo yêu cầu của pháp luật(điều trị bắt buộc)

Hiện nay ở nước ta có hai loại điều trị bắt buộc:

–    Theo luật bảo vệ SKND và luật phòng chống ma túy – HIV/AIDS thì chủ tịch quận huyện có quyền ra quyết định bắt buộc chữa bệnh với những người nghiện ma túy-ruợu, nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
–    Theo luật tố tụng hình sự thì cơ quan luật pháp (công an, tòa án, VKS) ra quyết định điều trị bắt buộc đối với bệnh nhân tâm thần can án nhưng không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Những bệnh nhân này phải được qua Giám định pháp y tâm thần xác định bệnh.

Như vậy ở cả 3 hình thức nhập viện đều phải có người đưa ra quyết định (cá nhân, đương sự, cơ quan pháp luật và người thứ ba). Đồng thời phải có ý kiến của các nhà chuyên môn (bác sĩ chuyên khoa tâm thần).

Tuy nhiên đối với các bệnh tâm thần do tính chất trừu tượng và tính chủ quan của các triệu chứng bệnh, khó chứng minh cụ thể bằng các tổn thương như bệnh thực thể, nên thường người ta quy định sau một thời gian (thường là 2 tuần) sau khi bệnh nhân nhập viện bác sĩ tại khoa điều trị phải có báo cáo cụ thể về tình trạng  của bệnh nhân, đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân có bệnh hay không bệnh gì có cần nhập viện hay không. Trong trường hợp bệnh nhân điều trị bắt buộc cơ quan pháp luật nơi ra quyết định điều trị bắt buộc cũng phải cử người giám sát cơ quan y tế thực hiện.

Qua sự việc “người bệnh” nêu trên chúng tôi mong muốn:

1/ Xã hội cần báo động về hiện tượng đưa người đi BVTT với ý đồ xấu phi y tế, không phù hợp với truyền thông yêu thương đùm bọc nhau của người Việt Nam. Ngành tâm thần, người thầy thuốc chuyên khoa tâm thần phải cảnh giác và thận trọng tìm hiểu cặn kẽ vấn đề đưa ra quyết định chẩn đoán chính xác và sự cần thiết của việc nhập viện hay không.

2/ Chúng ta cần đề cao nếp sống và làm việc theo pháp luật mọi tranh chấp về quyền dân sự, nhân thân nên thực hiện rạch ròi do cơ quan tòa án phán quyết. Mọi đối tượng có vấn đề liên quan đến pháp luật và SKTT cần được xem xét kỹ lưỡng. Nếu chưa qua giám định pháp y tâm thần thì cũng chưa coi họ là bệnh nhân tâm thần hoặc theo họ là hoàn toàn bình thường (cũng như tòa án chưa tuyên có tội thì người đó cũng coi chưa có tội). Các hồ sơ thủ tục phục vụ cho việc khám chữa bệnh thông thường chỉ là hồ sơ chuyên môn chưa có giá trị pháp lý cao (chỉ có gia trị tham khảo khi xử lý theo pháp luật).

3/ Nhà nước nên sớm xây dựng Luật sức khỏe tâm thần quy địng cụ thể chặt chẽ và toàn vẹn vấn đề này xã hội càng phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần càng phức tạp liên quan đến luật pháp ngày càng nhiều.

4/ Đề nghị các cơ quan chính quyền, công an sự trợ giúp các gia đình có người bị bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm, có khã năng gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm tính mạng cho người khác, gây cháy nổ … đưa bệnh nhân đi bệnh viện tâm thần điều trị khi họ có yêu cầu trợ giúp.
BS CKII LƯƠNG HỮU THÔNG – PGĐ BVTT TWII