Lược dịch: ThS.BS CKII. Chu Thị Dung
- Vitamin D đóng vai trò bảo vệ thần kinh, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp serotonin và tính mềm dẻo của não, liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.
- Thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, ADHD, lo âu và tự tử, trong khi việc bổ sung cho thấy những lợi ích tiềm năng.
Trong số nhiều phương pháp can thiệp y học tích hợp được nghiên cứu để điều trị các bệnh lý về sức khỏe tâm thần, có lẽ một trong những phương pháp đơn giản nhất là vitamin D. Mặc dù vẫn còn tranh cãi về việc sử dụng nó, bao gồm cả các hướng dẫn gần đây khuyến cáo không nên xét nghiệm nồng độ vitamin D vì hầu như bất kỳ lý do nào, nhưng kinh nghiệm lâm sàng của tôi kết hợp với các nghiên cứu mới nhất đều mạnh mẽ ủng hộ những lợi ích của vitamin này đối với một số tình trạng sức khỏe tâm thần.
Vitamin D từ lâu đã được công nhận với vai trò trong quá trình chuyển hóa canxi và sức khỏe xương, nhưng các nghiên cứu gần đây đã nhấn mạnh các khía cạnh chức năng quan trọng khác của vitamin này. Thực tế, vitamin D được mô tả tốt hơn như một tiền hormone steroid hơn là một loại vitamin, và nó đóng vai trò nổi bật như một tác nhân bảo vệ thần kinh, giúp giảm viêm thần kinh, hỗ trợ tổng hợp serotonin và cải thiện tính mềm dẻo của não bộ. Những tác dụng này có lẽ là lý do tại sao vitamin D có liên quan đến sức khỏe tâm thần, với một khối lượng nghiên cứu ngày càng tăng cho thấy thiếu vitamin D có thể có những hệ quả lâm sàng đối với trầm cảm, phòng ngừa tự sát, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và điều trị lo âu.
Từ sức khòe của xương đến sức khỏe của não
Vitamin D ban đầu được phát hiện như một phương pháp chữa trị để ngăn ngừa bệnh còi xương. Dầu gan cá tuyết, giàu cả vitamin A và vitamin D, được phát hiện là có hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này. Vì dầu gan cá tuyết được biết là chứa nhiều vitamin A, nên người ta cho rằng vitamin A cần thiết cho sự lắng đọng canxi trong xương. Tuy nhiên, các thí nghiệm cẩn thận đã loại bỏ vitamin A khỏi dầu gan cá và vẫn cho thấy nó ngăn ngừa được bệnh còi xương, điều này gợi ý về sự hiện diện của một chất dinh dưỡng riêng biệt, sau này được biết đến là vitamin D.
Từ lâu, vitamin D đã được coi là một loại vitamin quan trọng cho việc hấp thụ canxi và sức khỏe xương, nhưng các nghiên cứu vào cuối thế kỷ trước đã bắt đầu phát hiện ra thụ thể vitamin D hiện diện ở hầu hết các mô trong cơ thể, bao gồm cả não bộ. Thụ thể này được phát hiện có khả năng ảnh hưởng đến biểu hiện gen và tác động đến chức năng miễn dịch. Gần đây hơn, người ta đã chứng minh rằng vitamin D điều chỉnh mức độ các chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm serotonin, thông qua một số cơ chế khác nhau. Dựa trên hiểu biết rộng hơn về tác động của vitamin D, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận ảnh hưởng của việc thiếu hụt vitamin D đối với sức khỏe tâm thần.
Vitamin D và trầm cảm
Tác động được ghi nhận rõ ràng nhất của vitamin D đối với sức khỏe tâm thần là liên quan đến trầm cảm. Ban đầu, người ta giả thuyết rằng mức vitamin D thấp là nguyên nhân của rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) do nồng độ vitamin D thường giảm vào mùa đông. Các thử nghiệm lâm sàng ban đầu đã cho thấy những lợi ích đối với tâm trạng ở các đối tượng khỏe mạnh và những người bị SAD trong suốt những tháng mùa đông. Mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều đưa ra kết quả tích cực, nhưng từ những kết quả đó, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá lợi ích của vitamin D trên các loại bệnh nhân khác mắc trầm cảm.
Một nghiên cứu lớn hơn trên những người thừa cân và bị trầm cảm đã cho thấy lợi ích đáng kể của vitamin D, và một thử nghiệm riêng biệt sử dụng vitamin D như là một phương pháp điều trị hỗ trợ khi kết hợp với thuốc điều trị trầm cảm thông thường cũng cho thấy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về vitamin D gặp phải vấn đề về phương pháp luận. Nhiều nghiên cứu không kiểm tra tình trạng vitamin D của bệnh nhân hoặc cung cấp cùng một liều vitamin D bất kể mức độ vitamin D của mỗi cá nhân. Một số nghiên cứu khác sử dụng liều thấp hơn, có khả năng làm giảm tối đa các lợi ích lâm sàng. Mặc dù có những hạn chế này, các phân tích tổng hợp mới nhất vẫn cho thấy mức vitamin D thấp có liên quan đến trầm cảm và việc điều trị bằng vitamin D mang lại sự cải thiện đáng kể trong các triệu chứng trầm cảm.
Vitamin D: một cứu cánh trong phòng ngừa tự sát
Tỷ lệ tự tử gia tăng tại Hoa Kỳ tiếp tục là một mối lo ngại lớn. Trong khi có nhiều lời kêu gọi nâng cao nhận thức và tăng cường sàng lọc, ít có cuộc thảo luận về các phương pháp điều trị trực tiếp, đặc biệt là những yếu tố nguy cơ sinh hóa tiềm ẩn. Một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến đối với tự tử là sự thiếu hụt vitamin D.
Mức vitamin D thấp đã được phát hiện có tương quan với nguy cơ tự tử. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy sự thiếu hụt vitamin D phổ biến ở các quân nhân đang phục vụ. Họ cũng phát hiện rằng những người có mức vitamin D thấp nhất có nguy cơ tự tử cao hơn. Một nghiên cứu khác trên các bệnh nhân trầm cảm đã từng cố gắng tự tử cho thấy mức vitamin D thấp và mức độ viêm cao hơn trong máu so với những bệnh nhân trầm cảm không có hành vi tự tử.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2023 đã xác nhận rằng mức vitamin D thấp có liên quan đến các hành vi tự tử. Một nghiên cứu hồi cứu trên hơn 300,000 cựu chiến binh cho thấy việc bổ sung vitamin D gần như giảm một nửa nguy cơ tự tử.
Mức vitamin D rất dễ kiểm tra và điều trị khi phát hiện thiếu hụt. Trước những thách thức trong việc ngăn ngừa tự tử, việc bổ sung vitamin D cho những người bị thiếu hụt là một phương pháp đơn giản có thể cứu được nhiều mạng sống.
Nuôi dưỡng tâm trí người trẻ: vai trò của vitamin trong ADHD
Vitamin D dường như là một dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của não bộ trong thời thơ ấu. Một đánh giá có hệ thống về việc bổ sung vitamin D và sức khỏe tâm thần ở trẻ em đã ghi nhận những ảnh hưởng tích cực của vitamin này đối với nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm thần. Việc bổ sung vitamin D được khuyến cáo cho các bà mẹ thiếu hụt trong thời kỳ mang thai vì dường như nó có khả năng bảo vệ chống lại sự phát triển của ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và tự kỷ.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2019 cho thấy mức vitamin D ở trẻ em mắc ADHD thấp hơn đáng kể. Cùng năm đó, một phân tích tổng hợp khác xem xét tác động của việc bổ sung vitamin D đối với các triệu chứng ADHD. Kết quả cho thấy, khi được sử dụng như liệu pháp hỗ trợ, vitamin D đã làm giảm các triệu chứng ADHD và cải thiện tình trạng vitamin D. Ngoài ra, cũng không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi bổ sung vitamin D.
Vitamin D: Khả năng làm giảm lo âu
Vitamin D cũng có thể mang lại lợi ích trong việc giảm các triệu chứng lo âu. Một nghiên cứu nhỏ trên bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa và thiếu hụt vitamin D đã so sánh điều trị tiêu chuẩn với điều trị tiêu chuẩn kết hợp bổ sung vitamin D. Kết quả cho thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng vitamin D, mức độ lo âu giảm gần một phần ba, trong khi nhóm chỉ nhận điều trị tiêu chuẩn không có sự thay đổi đáng kể.
Một nghiên cứu khác trên phụ nữ bị tiền tiểu đường và có nồng độ vitamin D thấp cũng cho thấy sự cải thiện về mức độ lo âu sau khi bổ sung vitamin D, cả khi có hoặc không kết hợp với dầu cá. Với chỉ vitamin D, mức độ lo âu giảm 19%, và khi kết hợp với dầu cá, mức độ giảm tới 30%. Trong một nghiên cứu riêng biệt trên thanh thiếu niên mắc hội chứng tiền kinh nguyệt và thiếu hụt vitamin D nghiêm trọng, việc bổ sung vitamin D đã làm giảm 61% điểm số lo âu, trong khi nhóm dùng giả dược không có thay đổi đáng kể.
Mặc dù những kết quả này rất hứa hẹn, cần lưu ý rằng không phải tất cả các nghiên cứu đều tìm thấy lợi ích. Một nghiên cứu sử dụng vitamin D để ngăn ngừa trầm cảm ở những người từ 60 đến 80 tuổi không tìm thấy lợi ích đáng kể đối với các triệu chứng lo âu. Một thử nghiệm trước đó về tác động của vitamin D ở những bệnh nhân có mức vitamin D thấp cũng không ghi nhận sự thay đổi đáng kể về các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các triệu chứng trầm cảm và lo âu ban đầu khá thấp, vì tiêu chí duy nhất để lựa chọn bệnh nhân là mức vitamin D thấp. Có thể lập luận rằng, nếu thử nghiệm lâm sàng chỉ tập trung vào những bệnh nhân có triệu chứng sức khỏe tâm thần và mức vitamin D thấp, kết quả có thể đã tốt hơn.
Kinh nghiệm lâm sàng của tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra nồng độ vitamin D ở bất kỳ bệnh nhân nào gặp khó khăn với chẩn đoán liên quan đến sức khỏe tâm thần. Ở những bệnh nhân thiếu hụt vitamin D, việc bổ sung vitamin D thường mang lại hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Một xét nghiệm quan trọng nhưng bị bỏ qua trong ngành tâm thần học
Thiếu hụt vitamin D rất phổ biến ở các bệnh nhân có chẩn đoán về sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc bổ sung vitamin D trong điều trị trầm cảm, lo âu, phòng ngừa tự tử và ADHD. Các nghiên cứu về nồng độ vitamin D ở bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng cho thấy mức độ vitamin D của họ thấp. Một nghiên cứu khác trên những người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) cũng phát hiện mức vitamin D thấp hơn. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự xuất hiện của các đa hình gen liên quan đến protein liên kết vitamin D, có liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D ở bệnh nhân PTSD. Đáng tiếc, các hướng dẫn về việc xét nghiệm và bổ sung vitamin D lại thường bỏ qua hầu hết các dữ liệu cho thấy lợi ích của nó ngoài sức khỏe xương.
Theo kinh nghiệm của tôi, việc thiếu hụt vitamin D là một yếu tố quan trọng thường bị tâm thần học bỏ qua. Cách tiếp cận đơn giản nhất để xác định những bệnh nhân cần bổ sung là thông qua xét nghiệm. Ở những bệnh nhân bị thiếu hụt nghiêm trọng, có thể cần liều cao hơn để đạt được mức tối ưu. Xét nghiệm cũng rất quan trọng để theo dõi nồng độ vitamin D ở một số bệnh nhân có khả năng hấp thụ kém vitamin D từ các loại thực phẩm bổ sung.
Nguyên tắc cốt lõi của y học tích hợp là tính cá nhân hóa sinh hóa: công nhận rằng mọi bệnh nhân đều khác nhau và có sự biến đổi di truyền cũng như các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường khác nhau. Việc xét nghiệm và điều trị vitamin D là một bước đơn giản hướng tới việc kết hợp y học cá nhân hóa vào tâm thần học.
Mặc dù vitamin D không nên được coi là phương pháp chữa trị toàn diện cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng nó là một dưỡng chất cơ bản cần thiết cho chức năng bình thường của hệ thần kinh não bộ và cũng là một chất thường bị thiếu hụt. Hỗ trợ vitamin D là nền tảng cho việc phát triển một cách tiếp cận cá nhân hóa trong chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp điều trị khác. Xét đến việc nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần vẫn gặp khó khăn với các triệu chứng di chứng lại dù đã điều trị tiêu chuẩn, những can thiệp đơn giản như bổ sung vitamin D có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe của bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Shah VP, Nayfeh T, Alsawaf Y, et al. A systematic review supporting the Endocrine Society Clinical Practice Guidelines on vitamin D.J Clin Endocrinol Metab. 2024;109(8):1961-1974.
- Menéndez SG, Manucha W. Vitamin D as a modulator of neuroinflammation: implications for brain health.Curr Pharm Des. 2024;30(5):323-332.
- McCollum EV, Simmonds N, Becker JE, Shipley PG. Studies on experimental rickets: XXI. an experimental demonstration of the existence of a vitamin which promotes calcium deposition.J Biol Chem. 1922;53(2):293-312.