SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG LOẠN THẦN TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TTPL, KHU VỰC ĐÔNG Á

283
Antipsychotic Medications
Antipsychotic Medications

Các tác giả đã khảo sát cách sử dụng thuốc chống loạn thần (CLT) trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt (TTPL) tại khu vực Đông Á (Trung quốc, Hồng kông, Nhật, Hàn quốc, Singapore và Đài loan ) và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cách sử dụng này.

Đối tượng gồm 2399 bệnh nhân TTPL nội trú tại 32 trung tâm thuộc 6 nước kể trên trong thời gian từ 1 đến 31 tháng 7 năm 2001. Chẩn đoán TTPL được dựa theo tiêu chuẩn ICD 10 hoặc DSM IV.

Trên ½ số bệnh nhân từ Trung quốc và Nhật, chỉ 4,5% từ Hồng Kông. Đa số bệnh nhân (83,2%) được chọn từ 23 bệnh viện tâm thần, số còn lại (16,8%) từ 8 Bệnh Viện khoa Tâm thần thuộc các bệnh viện đa khoa. Phái nam 55,9% và nữ 44,1%, tuổi từ 13 đến 87 (trung bình 43,6 ± 12,5).

Kết quả có 2368 bệnh nhân (98,7%) sử dụng thuốc chống loạn thần trong đó trong 54% đơn trị liệu và 46% đa trị liệu. Trong 1273 bệnh nhân đơn trị liệu có 53,3% dùng thuốc CLT cổ điển và 46,7% dùng thuốc thế hệ mới. Ở nhóm đa trị liệu 55,7% chỉ dùng thuốc cổ điển, 4,1% chỉ dùng thuốc thế hệ mới và 40,2% kết hợp giữa 2 nhóm thuốc trên.

Trong tất cả các thuốc CLT được cho 71,9% là thuốc cổ điển và 28,1% là thuốc thế hệ mới. Haloperidol là thuốc cổ điển được cho nhiều nhất (25%), tiếp theo là Clopromazine (9,7%), Levomepromazine (8,7%), Sulpiride (8,4%). Việc sử dụng thuốc thế hệ mới rất thay đổi, tỉ lệ thấp nhất là Singapore (3,6%), rồi đến Nhật (21,5%), Hàn quốc (27,1%), Hồng Kông (35,2%), đài loan (42,3%) và Trung quốc (51,3%). Thuốc CLT thế hệ mới được dùng nhiều nhất ở Trung Quốc lục địa là Clozapine.

Các bệnh khoa tâm thần có tỉ lệ dùng thuốc thế hệ mới cao hơn các Bệnh Viện Tâm Thần một cách có ý nghĩa (51,1% so với 36,4%). Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh < 5 năm có tỉ lệ dùng thuốc thế hệ mới cao hơn bệnh nhân bị bệnh trên 5 năm.

Về liều thuốc, 1/3 bệnh nhân dùng liều trong khoảng 300 – 599 mg CPZeq. Liều trung bình cho cả nhóm là 675,5 ± 645,1 mg CPZeq với liều cao nhất ở Nhật (1033,8 ± 884,3 mg), bệnh nhân bị bệnh trên 5 năm có liều cao hơn bệnh nhân bị bệnh dưới 5 năm (702,1 ± 665,6 mg so với 534,4 ± 496,8 mg).

Về đa trị liệu, Singapore (72%) và Nhật (79%) có tỉ lệ cao nhất. Tại Singapore 95% đa trị liệu có liên quan đến các thuốc cổ điển bao gồm các thuốc có tác dụng kéo dài. Việc sử dụng trên 3 thuốc CLT (có khi đến 8) được nhận thấy một cách ưu thế trong các bệnh viện Nhật, thường là kết hợp giữa các thuốc cổ điển với các thuốc thế hệ mới. Liều thuốc trong nhóm đa trị liệu cao hơn một cách rõ rệt so với nhóm đơn trị liệu (cả thuốc cổ điển lẫn thuốc thế hệ mới, bệnh nhân bị bệnh trên 5 năm có tỉ lệ đa trị liệu (46,3%) cao hơn bệnh nhân bị bệnh dưới 5 năm (31,4%).

Phân tích hồi qui đa biến cho thấy các thuốc cổ điển được dùng chủ yếu để kiểm soát hành vi gây hấn của bệnh nhân cũng được dùng nhiều hơn trong các Bệnh Viện Tâm Thần và ở các bệnh nhân nam.

Các thuốc thế hệ mới được dùng khi có các triệu chứng lâm sàng nổi bật như: các hoang tưởng, hành vi hoặc ngôn ngữ vô tổ chức rõ rệt và các triệu chứng âm tính.

Bàn luận: nghiên cứu này cho thấy có 2 khuynh hướng sử dụng các thuốc CLT ở một số nước Đông Á: các thuốc cổ điển được dùng để kiểm soát hành vi gây hấn trong khi các thuốc thế hệ mới để làm giảm các triệu chứng loạn thần, đặc biệt là các triệu chứng dương tính và âm tính, hành vi vô tổ chức. Tỉ lệ sử dụng các thuốc CLT thế hệ mới là dưới 30%, một tỉ lệ còn thấp hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ.

Kiểu sử dụng thuốc CLT cũng rất khác nhau ở các nước Đông A.Các khác nhau này chủ yếu là do các chính sách y tế, các mô thức điều trị được ưa thích như sử dụng các thuốc có tác dụng kéo dài hoặc đa trị liệu và sự sẵn có cũng như giá cả của thuốc. Ví dụ, nước Nhật có hệ thống bảo hiểm y tế từ rất lâu nên bệnh nhân thường được chuyển đến các bệnh viện tâm thần hơn là được điều trị tại cộng đồng. Thời gian nằm viện tại Nhật thường dài, bệnh nhân thường được cho nhiều loại thuốc nên tổng liều dùng thường cao. Một thực hành tương tự cũng hay gặp trong các cơ sở điều trị bệnh nhân mãn tính Hoa kỳ.

Nói chung, bệnh nhân TTPL ở Đông Á, trừ nhật, dùng liều CLT thấp hơn so với bệnh nhân da trắng, điều này phù hợp với các nghiên cứu khác. Đa trị liệu CLT ở nhật chủ yếu là kết hợp các thuốc cổ điển với các thuốc thế hệ mới. Đôi khi, đa trị liệu kết hợp với 7 hoặc 8 loại thuốc tương tự, một thực hành cần phải được xem xét lại. Điều trị liều cao không an toàn do có thể gây các rối loạn dẫn truyền như xoắn đỉnh và đột tử.

Chi phí thuốc men cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc thế hệ mới. Chi phí hàng ngày của thuốc thế hệ mới cao hơn nhiều so với thuốc cổ điển trừ đối với Clozapine ở Trung quốc. Giá thuốc Clozapine ở Singapore và Đài loan cao gấp 40 lần ở Trung quốc nên đây là thuốc thế hệ mới được dùng nhiều nhất ở Trung quốc. Tại Trung quốc, Clozapine được sử dụng rộng rải trong điều trị TTPL kháng thuốc và không kháng thuốc. Tại các nước khác, do các chỉ định chặt chẽ các thuốc thế hệ mới bao gồm Clozapine nên việc sử dụng các thuốc này còn khó khăn. Ví dụ tại Đài loan, các thuốc thế hệ mới chỉ được dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc cổ điển, cho người già hoặc khi có tác dụng phụ nhiều. Các qui định này mới đây đã được nới lỏng do các thuốc thế hệ mới có thể được dùng như thuốc chọn lựa hàng đầu trong TTPL.

THAM KHẢO:
Mian –Yoon Chong & cs
Psychiatry and Clinical Neurosciences (2004), 58, 61-67

Người dịch :BS Nguyễn Văn Nuôi, BS CKII, Phó chủ nhiệm Bộ môn tâm thần ĐHYD TP. HCM.