ThS. BS. CKII. TRẦN TRUNG NGHĨA
BÀI TỔNG QUAN
Tâm thần phân liệt là một bệnh lý tâm thần với các dấu hiệu và triệu chứng rất đa dạng, bao gồm những thay đổi về nhận thức, cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ, tri giác và hành vi. Những biểu hiện này khác nhau ở mỗi bệnh nhân và theo thời gian, nhưng ảnh hưởng của bệnh luôn nặng nề và thường kéo dài.
Tâm thần phân liệt và các bệnh lý loạn thần khác đều được phân loại dựa trên một đặc tính chung nhất: biểu hiện loạn thần. Đó chính là tình trạng mất khả năng kiểm định thực tế khách quan. Cơ chế bệnh của rối loạn phổ phân liệt vẫn đang được nghiên cứu. Có nhiều giả thuyết về sinh bệnh học của loạn thần như: về chất dẫn truyền thần kinh, về hình ảnh học và tế bào học thần kinh, về những yếu tố liên quan đến khởi phát (hoặc căn nguyên) của tâm thần phân liệt (1). Nhưng cũng có nhiều câu hỏi cũng được đặt ra liên quan đến sự thay đổi chất dẫn truyền này: “Tại sao có sự thay đổi chất dẫn truyền thần kinh? Đó là do di truyền dẫn đến sự thay đổi quá trình sản xuất của tế bào thần kinh? Vậy tại sao không có sự thay đổi ngay từ khi mới sinh ra mà bệnh lý loạn thần lại khởi phát trễ hơn so với các rối loạn phổ tự kỷ có biểu hiện tương tự? Vậy điều gì dẫn đến sự thay đổi chất dẫn truyền thần kinh ở độ tuổi trưởng thành?”
Khởi phát có thể rất khác biệt, cũng như tiến triển, tiên lượng cũng khó xác định chính xác hoàn toàn. Bên cạnh những lĩnh vực chính bị thay đổi (tư duy, tri giác, hành vi và cảm xúc), vẫn có nhiều triệu chứng khác có thể tồn tại như khí sắc, triệu chứng lo âu – ám ảnh. Cũng như nhiều yếu tố tác động đến quá trình chăm sóc và phát triển bệnh như cảm xúc của người chăm sóc, các sự kiện sang chấn mới xuất hiện cũng có thể kích hoạt giai đoạn toàn phát của bệnh (2).
Những ghi nhận về dịch tễ học cho thấy những mối liên hệ với nhóm bệnh lý loạn thần. Loạn thần thường xuất hiện với nhóm dân số có điều kiện kinh tế – xã hội kém hơn (3). Vùng nội thành có điều kiện khó khăn được ghi nhận tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt cao hơn các vùng khác. Tình trạng căng thẳng từ xã hội là thường xuyên xảy ra hơn có phải là yếu tố nguy cơ của tâm thần phân liệt? Vấn đề chủng tộc cũng được đặt ra giả thuyết là nguy cơ của tâm thần phân liệt nhưng kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng cùng chủng tộc vẫn có sự khác biệt liên quan đến tình trạng di cư đến vùng văn hóa khác (4). Điều này cho thấy yếu tố căng thẳng do di cư đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện của tâm thần phân liệt. Egger A.E. giả thuyết rằng sự thay đổi của serotonine liên quan với những sang chấn tâm lý kéo dài, gây ra những thay đổi đáng kể về hình thái học thần kinh, cũng như thay đổi chất dẫn truyền có tính chất hệ thống, dẫn phát những biểu hiện loạn thần trong tương lai (5).
Có nhiều nghiên cứu ghi nhận các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, tình trạng tham gia xã hội, có liên quan đến tình trạng gia tăng nội tâm hóa, nhận thức về cảm xúc (6) (7). Và các triệu chứng cảm xúc này (lo âu, trầm cảm) còn làm nặng hơn các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, ảnh hưởng đến sự phát triển của hoang tưởng, ảo giác, tiên lượng và tái phát của loạn thần (8) (9) (10). Không chỉ vậy, lo âu có thể xảy ra độc lập với các triệu chứng loạn thần. Các triệu chứng lo âu có thể xảy ra ở 65% bệnh nhân tâm thần phân liệt và có thể đạt đến ngưỡng chẩn đoán các rối loạn lo âu kèm theo khác nhau, bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Bệnh nhân loạn thần có các triệu chứng lo âu có nhiều khả năng có các triệu chứng nội tâm khác hơn là các triệu chứng loạn thần. Các triệu chứng của PTSD ở thời niên thiếu (nếu có) cũng thường chỉ xuất hiện trong nội tâm của bệnh nhân mà chỉ khi họ trình bày thì các bác sĩ lâm sàng mới có khả năng nhận biết được nó. Trong khi đó, bệnh nhân tâm thần phân liệt lại có tình trạng nổi bật của tính tự kỷ, thu rút vào chính nội tâm của họ, làm cho họ trở nên thiếu hòa hợp với ngoại cảnh, thể hiện thành các triệu chứng dương tính, âm tính và càng khó thể hiện các vấn đề nội tâm của họ (9) (11).
Các triệu chứng cảm xúc lo âu, trầm cảm này thường được ghi nhận trong các trường hợp sang chấn tâm lý. Tương tự, nghiên cứu của Li X. và cs (12) còn ghi nhận sang chấn có liên quan với triệu chứng khí sắc. Nghiên cứu này với 132 bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, ghi nhận 61,4% bị bỏ bê thể chất trong thời thơ ấu, bỏ bê tình cảm (49,6%), lạm dụng tình dục (40,5%), lạm dụng tình cảm (26,0%) và lạm dụng thể chất (13,1%). Tiếp xúc với sang chấn là yếu tố căn nguyên ban đầu trong sự phát triển của PTSD. Triệu chứng dai dẳng của PTSD là kết quả của quá trình điều hòa hậu quả của các sang chấn này. Phản ứng sinh lý cực đoan đi kèm với sợ hãi về một sự kiện đau thương nhất định. Điều hòa hoạt động giúp tránh những gợi nhớ gây sang chấn, để ngăn chặn cảm giác đau khổ nảy sinh. Một cơ chế khác là thông qua mô hình hóa, một hình thức học tập. Trẻ em có thể bắt chước các phản ứng của cha mẹ, như trốn tránh, rút lui hoặc bày tỏ sự sợ hãi tột độ và “học” cách phản ứng với ký ức của chính chúng về sự kiện đau buồn. Gia đình có thể hỗ trợ và phản ứng giúp trẻ khi có các sự kiện đau thương, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của PTSD. Những phản ứng bất lợi về mặt cảm xúc của cha mẹ đối với việc lạm dụng trẻ em có thể làm tăng nguy cơ phát triển PTSD ở trẻ. Thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ và vấn đề tâm lý của cha mẹ, đặc biệt là trầm cảm của mẹ là yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển của PTSD sau khi đứa trẻ phải trải qua một sự kiện đau thương (13). Các yếu tố tâm lý xã hội khác trong cuộc sống có thể là yếu tố nâng đỡ giúp cho con người có thể chống đỡ với áp lực cuộc sống. Chúng cũng có thể là yếu tố nhấn chìm chủ thể trong sự đấu tranh, trong áp lực và sự căng thẳng. Trong trường hợp đó. suy giảm serotonine và norepinephrine là kết quả đã được chứng minh. Sự thiếu hụt serotonine và norepinephrine cũng được ghi nhận có liên quan đến triệu chứng âm tính của tâm thần phân liệt. Trong nghiên cứu của Loewy và cs (2019) (14), hội chứng nguy cơ cao loạn thần (CHR – clinical-high-risk syndrome) ở người từng bị sang chấn, nhất là sang chấn thời thơ ấu trước 12 tuổi. Tiền sử sang chấn dẫn đến rối loạn nhận thức nghiêm trọng hơn, các triệu chứng chung/cảm xúc. Việc tiếp xúc với sang chấn trước 12 tuổi có liên quan đến cả các triệu chứng dương tính và cảm xúc.
Trong nghiên cứu so sánh của Corcoran và cs (2020) (15), ghi nhận những bệnh nhân loạn thần có số lần mắc sang chấn đầu đời cao hơn so với nhóm chứng khỏe mạnh. Trong nghiên cứu so sánh giữa nhóm phân liệt (215 người) và nhóm chứng khỏe mạnh (197 người) của Senner và cs (2023), tình trạng sang chấn sớm trong cuộc sống cũng được báo cáo với 52,1% bệnh nhân loạn thần so với 24,9% ở nhóm đối chứng khỏe mạnh (11). Nghiên cứu phân tích gộp của Seow và cs (2016) thống kê ba mươi bốn nghiên cứu có báo cáo so sánh kết quả giữa nhóm tâm thần phân liệt có và không có PTSD, ghi nhận tỷ lệ PTSD trong bệnh tâm thần phân liệt dao động từ 0 đến 57% (16). Một nghiên cứu đã báo cáo tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng PTSD cao hơn ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện so với những người không mắc bệnh (17).
Các phát hiện cho thấy PTSD kèm theo có liên quan đến mức độ cao hơn của các triệu chứng dương tính, tâm bệnh chung và suy giảm nhận thức thần kinh, cũng như chức năng và chất lượng cuộc sống kém hơn (16). Lạm dụng cảm xúc là loại sang chấn sớm được báo cáo thường xuyên nhất (29,0%) và bỏ bê thể chất (15,4 %). Mức độ nghiêm trọng của sang chấn thời thơ ấu ở thanh thiếu niên được coi là có nguy cơ cực cao mắc rối loạn loạn thần, cũng liên quan đến tỷ lệ tự tử và hành vi tự làm hại bản thân, kết quả đáp ứng trị liệu lâm sàng kém hơn và chức năng thích ứng kém hơn (18). Trong nghiên cứu phân tích gộp 41 nghiên cứu, Bailey và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng dương tính của rối loạn loạn thần, bao gồm ảo giác và hoang tưởng, có liên quan nhiều nhất đến tổng số các sự kiện đau thương đã trải qua cũng như tiếp xúc với các hành vi tình dục và tình dục thời thơ ấu. Mức độ nghiêm trọng của việc bị bỏ rơi ở trẻ em có tương quan với các triệu chứng âm tính (19).
Vấn đề nhận thức cũng bị suy giảm nặng nếu sang chấn xảy ra sớm, có nghĩa là sang chấn sớm có liên quan chặt chẽ với sự suy giảm nhận thức thần kinh ở người khỏe mạnh. Ở bệnh nhân loạn thần, các triệu chứng dương tính và âm tính có thể che giấu tác động của sự thiếu hụt nhận thức liên quan đến sang chấn sớm (11). Trong khảo sát của Pec và cs (2022) (20), ghi nhận mức độ nặng của các triệu chứng cơ bản của bệnh tâm thần phân liệt có liên quan đến mức độ nặng của các triệu chứng phân ly, căng thẳng do sang chấn và các quá trình nhạy cảm, vẫn tồn tại sau khi kiểm soát mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng loạn thần và liều lượng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm. Điều này cho thấy: dường như, thay đổi về nhận thức do sang chấn sớm trong cuộc sống làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng loạn thần.
Như vậy, dường như sang chấn thời niên thiếu thông qua những thay đổi cảm xúc kéo dài có thể liên quan đến những thay đổi hoạt động tâm thần, kéo theo những biến đổi khác dẫn đến sự xuất hiện của các triệu chứng trong loạn thần. Những mối liên quan mà các nghiên cứu tìm thấy chủ yếu tập trung ở các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, nội tâm hóa cảm xúc, suy giảm nhận thức. Có nghĩa là, có thể liên quan giữa sang chấn đến gần như tất cả các triệu chứng dương tính, âm tính và nhận thức trong loạn thần. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nghiên cứu trên thế giới đánh giá những yếu tố sang chấn mãn tính ở các trường hợp loạn thần để tìm kiếm khả năng xuất hiện của loạn thần trong chu trình cuộc sống con người, khả năng tiên lượng đối với nhóm loạn thần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- SadockJ., Sadock V.A., Ruiz P. Chapter 7: Schizophrenia Spectrum and Other Psychotic Disorders. In: Kaplan & Sadock’s synopsis of psychiatry: Behavioral Sciences/Clinical Psychiatry, 11th 2015, Wolters Kluwer, p300-346
- Martland N. et al. Are adult stressful life events associated with psychotic relapse? A systematic review of 23 studies. Psychol Med. 2020 Oct;50(14):2302-2316.doi: 10.1017/S0033291720003554. Epub 2020 Oct 15
- Kahn R.S et al. Schizophrenia. Nat Rev Dis Primers. 2015 Nov 12:1:15067.doi: 10.1038/nrdp.2015.67
- Hutchinson G et al. Morbid risk of schizophrenia in first-degree relatives of white and African-Caribbean patients with psychosis. Br J Psychiatry. 1996 Dec;169(6):776-80. doi: 10.1192/bjp.169.6.776
- Eggers A.E. A serotonin hypothesis of schizophrenia. Med Hypotheses. 2013 Jun;80(6):791-4. doi: 10.1016/j.mehy.2013.03.013. Epub 2013 Apr 1
- Hall L.M., Moussa-Tooks A.B., Sheffield J.M. Associations between social engagement, internalizing symptoms, and delusional ideation in the general population. Soc Psychiatry Psychiatr Epidemiol. 2023 Aug 25.doi: 10.1007/s00127-023-02540-x
- Hartley S, Barrowclough C. Haddock G. Anxiety and depression in psychosis: a systematic review of associations with positive psychotic symptoms. Acta Psychiatr Scand. 2013 Nov;128(5):327-46.doi: 10.1111/acps.12080. Epub 2013 Feb 4
- Drake R.J. et al. The evolution of insight, paranoia and depression during early schizophrenia. Psychol Med. 2004 Feb;34(2):285-92.doi: 10.1017/s0033291703008821
- Temmingh H., Stein D.J. Anxiety in Patients with Schizophrenia: Epidemiology and Management. CNS Drugs. 2015;29(10):819-32.doi: 10.1007/s40263-015-0282-7
- Armando M. et al. Psychotic-like experiences and correlation with distress and depressive symptoms in a community sample of adolescents and young adults. Schizophr Res. 2010 Jun;119(1-3):258-65.doi: 10.1016/j.schres.2010.03.001.Epub 2010 Mar 26
- Senner F. et al. Association of early life stress and cognitive performance in patients with schizophrenia and healthy controls. Schizophr Res Cogn. 2023 Feb 11:32:100280.doi: 10.1016/j.scog.2023.100280.eCollection 2023 Jun
- Li X. et al. Childhood trauma associates with clinical features of bipolar disorder in a sample of Chinese patients. J Affect Disord. 2014 Oct:168:58-63.doi: 10.1016/j.jad.2014.06.017.Epub 2014 Jun 19
- Sadock B.J., Sadock V.A., Ruiz P. Chapter 31: Child psychiatry, 11: Trauma- and Stressor-Related Disorders in ChildrenKaplan & Sadock’s synopsis of psychiatry: Behavioral Sciences/Clinical Psychiatry, 11th edition, 2015 Wolters Kluwer, p1216-1225
- LoewyL. et al. Childhood Trauma and Clinical High Risk for Psychosis. Schizophr Res. 2019 March; 205: 10–14. doi: 10.1016/j.schres.2018.05.003
- Corcoran M. et al. Are working memory and glutamate concentrations involved in early-life stress and severity of psychosis? Brain Behav. 2020 Jun;10(6):e01616.doi: 10.1002/brb3.1616.Epub 2020 May 9
- Seow L.S.E. et al. A systematic review on comorbid post-traumatic stress disorder in schizophrenia. Schizophr Res. 2016 Oct;176(2-3):441-451. doi: 10.1016/j.schres.2016.05.004.Epub 2016 May 24
- Scheller-Gilkey G. et al. Early life stress and PTSD symptoms in patients with comorbid schizophrenia and substance abuse. Schizophr Res. 2004 Aug 1;69(2-3):167-74.doi: 10.1016/s0920-9964(03)00188-9
- De Vos C. et al. The relationship between childhood trauma and clinical characteristics in ultra-high risk for psychosis youth. Psychosis 11 iss. 1, 2019 January 02, p28-41. DOI: 10.1080/17522439.2019.1582686
- Bailey T. et al. Childhood Trauma Is Associated With Severity of Hallucinations and Delusions in Psychotic Disorders: A Systematic Review and Meta-Analysis. Schizophrenia Bulletin, 44, no. 5, 2018, p1111–1122. doi:10.1093/schbul/sbx161
- Pec O., Lysaker P.H., Bob P. Basic symptoms of schizophrenia are related to symptoms of traumatic stress: A pivotal role of sensitization. An observational study. Medicine (Baltimore). 2022 Jul 15;101(28):e29517.doi: 10.1097/MD.0000000000029517