SANG CHẤN TÂM LÝ VÀ HỆ MIỄN DỊCH NGƯỜI: MỘT NGHIÊN CỨU PHÂN TÍCH KHỐI

1499

Bản báo cáo này phân tích khối hơn 300 bài báo kinh nghiệm mô tả mối quan hệ giữa sang chấn (stress) tâm lý và các thông số của hệ miễn dịch ở những người tham gia. Các yếu tố sang chấn (stressor) cấp thời (kéo dài vài phút) liên quan với sự điều hoà lên (upregulation) thích ứng tiềm tàng của của một vài thông số miễn dịch tự nhiên và sự điều hoà xuống (downregulation) của một vài chức năng miễn dịch chuyên biệt. Các yếu tố sang chấn tự nhiên ngắn có xu hướng ức chế miễn dịch tế bào trong lúc bảo tồn miễn dịch thể dịch. Các yếu tố sang chấn kéo dài liên quan đến sự ức chế của cả hai mức tế bào và thể dịch.

Tác động của những sự nối tiếp sự kiện thay đổi tùy theo loại sự kiện (chấn thương đối lập với mất mát). Các báo cáo chủ quan về sang chấn nói chung không liên quan đến sự thay đổi miễn dịch. Trong một số trường hợp, tính nhạy cảm cơ thể như là một chức năng của tuổi tác hoặc bệnh cũng làm tăng tính nhạy cảm đối với thay đổi miễn dịch trong các yếu tố sang chấn.

Từ buổi ban đầu của đời sống, các sinh vật đã chịu tác động của sức ép tiến hoá từ môi trường. Khả năng đáp ứng với những đe doạ hoặc yếu tố sang chấn môi trường như là sự ăn thịt hoặc thảm hoạ thiên nhiên đã làm gia tăng khả năng sống còn và sinh sản, và các đáp ứng sinh lý mà trợ giúp cho các đáp ứng như vậy được chọn lọc có mục đích. Ở động vật có vú, các đáp ứng này bao gồm các thay đổi mà làm tăng sự phân phối oxy và đường đến tim và các cơ xương lớn. Kết quả là các trợ giúp sinh lý cho các hành vi thích ứng như là “chiến đấu hoặc chạy trốn.” Các đáp ứng miễn dịch đối với các tình huống gây sang chấn có thể là thanh phần của các đáp ứng thích ứng này bởi vì, cộng thêm vào rủi ro gắn liền với tình huống (ví dụ: thú ăn thịt), chiến đấu hoặc bỏ chạy đưa đến thương tích và đường vào cho các tác nhân nhiễm trùng, ngoài da hoặc vào máu. Bất kỳ vết thương da nào cũng chứa yếu tố gây bệnh mà có thể nhân lên và gây nhiễm trùng. Những thay đổi do sang chấn ở hệ miễn dịch giúp tăng tốc hồi phục vết thương và giúp ngăn nhiễm trùng là tính thích ứng và được chọn lọc cùng với những thay đổi sinh lý khác mà làm tăng sự phù hợp tiến hoá.

Con người hiện đại hiếm khi phải đương đầu với những kích thích mà gây ra đáp ứng chiến đấu hoặc chạy trốn giống như tổ tiên, như sự ăn thịt hoặc thời tiết khắc nghiệt không có bảo vệ. Tuy nhiên, đáp ứng sinh lý người tiếp tục phản ánh những đòi hỏi của môi trường trước kia. Do đó, những đe dọa mà không đòi hỏi phải có một đáp ứng cơ thể (ví dụ: thi cử) có thể gây ra những hậu quả cơ thể, bao gồm những thay đổi trong hệ miễn dịch. Thực vậy, trong suốt 30 năm qua, hơn 300 nghiên cứu đã được thực hiện về sang chấn và miễn dịch ở người, và đã chứng tỏ rằng các thách thức tâm lý có khả năng làm biến đổi các đặc tính khác nhau về đáp ứng miễn dịch. Trong bài viết này sẽ củng cố kiến thức kinh nghiệm về sang chấn tâm lý và hệ miễn dịch người thông qua sự nghiên cứu phân tích khối. Cấu trúc sang chấn và hệ miễn dịch, cả hai đều phức tạp và đã tiêu tốn nhiều nghiên cứu dài tập. Do vậy, trong nghiên cứu phân tích khối này sẽ đặt trọng tâm vào những khía cạnh thường được đề cập nhiều nhất về sang chấn và miễn dịch .

1. Khái niệm sang chấn
Mặc dù đã gần một thế kỷ về các phương diện khác nhau của sang chấn, các nhà nghiên cứu vẫn khó khăn trong việc thống nhất một định nghĩa thỏa mãn về khái niệm này. Hầu hết các nghiên cứu được khảo cứu đều sử dụng định nghĩa đơn giản về sang chấn như là những tình huống mà hầu hết mọi người cảm thấy căng thẳng (stressful), đó là các yếu tố sang chấn (stressor). Phân loại của Elliot và Eisdorfer định rõ đặc điểm của những yếu tố sang chấn này. Cách phân loại này có lợi điểm là phân biệt được các yếu tố sang chấn về hai phương diện quan trọng là thời gian và diễn tiến. Có năm loại yếu tố sang chấn. Yếu tố sang chấn thời gian giới hạn cấp thời (acute time-limited stressor) liên quan đến những thách thức thực nghiệm như là nói trước công chúng. Yếu tố sang chấn tự nhiên ngắn (brief naturalistic stressor), như là thi cử, liên quan đến việc đối đầu với những thách thức ngắn hạn trong đời sống thực tế. Trong chuỗi sự kiện sang chấn (stressful event sequence), một sự kiện trọng tâm, như là mất bạn đời hoặc thảm họa thiên nhiên nặng, đưa đến một chuỗi các thách thức liên quan. Cá nhân bị ảnh hưởng nhận thức rõ rằng các thách thức sẽ giảm dần, nhưng không biết chắc là trong bao lâu. Yếu tố sang chấn kéo dài (chronic stressor), thường xâm chiếm cuộc sống một người và buộc người đó phải xây dựng lại vai trò xã hội của mình. Một đặc điểm khác là tính ổn định, người này không biết có hay không và khi nào thách thức sẽ chấm dứt và có thể chắc là nó sẽ không bao giờ kết thúc. Ví dụ: chấn thương gây tàn tật cơ thể, chăm sóc bạn đời sa sút tâm thần nặng, tị nạn chiến tranh. Yếu tố sang chấn từ xa ( distant stressor) là trải nghiệm chấn thương mà xảy ra từ trong quá khứ có tiềm năng gây thay đổi chức năng hệ miễn dịch vì những hậu quả nhận thức và cảm xúc kéo dài của họ. Ví dụ: bị hiếp dâm lúc còn nhỏ, chứng kiến cái chết của bạn trong chiến đấu, là tù nhân chiến tranh.

Ngoài sự hiện diện những tình huống khó khăn, các nhá nghiên cứu còn sử dụng những cuộc phỏng vấn sự kiện cuộc đời hoặc thang kiểm (checklist) để ghi nhận số lượng các yếu tố sang chấn khác nhau phải đương đầu trong một giai đoạn thời gian. Tùy theo dụng cụ, có thể chú trọng đến các sự kiện đời sống chủ yếu (ví dụ: ly hôn, phá sản) hoặc các rắc rối nhỏ hàng ngày (phạm luật giao thông, dọn dẹp nhà cửa).

Một số nghiên cứu chọn dân số người lớn không có bất cứ khó khăn định rõ nào và khám xét các đáp ứng miễn dịch có thay đổi không thùy theo sang chấn cảm nhận của họ. Một số nghiên cứu xem xét dân số bị sang chấn, trong đó một dải rộng các đáp ứng chủ quan có thể được phát hiện. Phần này phát triển dựa triển quan điểm các đáp ứng sinh học ở người đối với các tình huống sang chấn tùy thuộc nhiều vào sự tự đánh giá về tình huống đó và các đáp ứng nhận thức và cảm xúc đối với nó.

2. Tổng quan về hệ miễn dịch
Nhiều nhà khoa học hành vi không quen với những chi tiết về hệ miễn dịch, mà dưới đây sẽ trình bày một tổng quan ngắn gọn.

2.1. Các thành phần của hệ miễn dịch
Có một số cách phân chia các yếu tố của hệ miễn dịch. Với mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa yếu tố sang chấn tâm lý và hệ miễn dịch, ta chia làm hai loại miễn dịch tự nhiên và chuyên biệt. Miễn dịch tự nhiên là một loại đáp ứng miễn dịch đặc trưng không chỉ cho động vật có vú mà còn cho cả các sinh vật cấp thấp hơn như bọt biển. Các tế bào trong hệ miễn dịch tự nhiên chỉ có thể tấn công được một số yếu tố gây bệnh khác nhau trong một thời gian tương đối ngắn (vài phút đến vài giờ). Nhóm tế bào quan trọng nhất trong nhóm này là các bạch cầu hạt, bao gồm bạch cầu đa nhân trung tính (neutrophil) và đại thực bào (macrophage). Đáp ứng của các tế bào này đưa đến tình trạng viêm, trong đó bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào tập hợp tại điểm thương tích hoặc nhiễm trùng, giải phóng các chất độc  như các gốc oxy hoá phá hủy yếu tố xâm nhập, sau đó mô lạ và mô bị hủy hoại đều bị thực bào. Đại thực bào giải phóng các phân tử truyền tin hoặc các cytokine, có tác động rộng trên sinh vật, bao gồm sốt và viêm, và cũng thúc đẩy sự lành vết thương. Các cytokine tiền viêm  bao gồm interleukin (IL)-1, IL-6 và yếu tố hoại tử mô alpha (TNFa). Các bạch cầu hạt khác bao gồm tế bào sao (mast) và bạch cầu ưa eosin, liên quan trong việc phòng thủ ký sinh trùng và phản ứng dị ứng. Một lạoi tế bào khác là tế bào giết tự nhiên, tế bào này nhận diện sự thiếu hụt phân tử mô tự thân trên bề mặt tế bào (tế bào siêu vi và một số tế bào ung thư) và ly giải các tế bào đó bằng cách giải phóng chất độc vào chúng. Các tế bào giết tự nhiên được xem là quan trọng trong việc giới hạn giai đoạn ban đầu của sự nhiễm siêu vi trùng, trước khi miễn dịch chuyên biệt có hiệu quả, và tấn công các tế bào tự thân hoá ác tính.

Cuối cùng là một nhóm các protein trong hệ miễn dịch tự nhiên. Các protein bổ thể gắn vào các vi sinh vật có thể điều hoà lên quá trình thực bào và viêm. Các bổ thể cũng có thể trợ giúp miễn dịch qua trung gian kháng thể.

Miễn dịch chuyên biệt đặc trưng bởi sự chuyên biệt cao hơn và chậm hơn đáp ứng miễn dịch tự nhiên. Các tế bào lympho có các vị trí thụ thể trên bề mặt tế bào của chúng. Thụ thể trên mỗi tế bào chỉ phù hợp với một dạng phân tử, hoặc kháng nguyên, trên yếu tố xâm nhập nào đó, và do đó chỉ đáp ứng với một loại yếu tố xâm nhập. Khi được kích hoạt, các tế bào chuyên biệt kháng nguyên này phân chia và sinh sản thành một dân số tế bào có cùng tính chuyên biệt kháng nguyên trong một quá trình gọi là sự tăng sinh đơn dòng (clonal proliferation), hoặc đáp ứng tăng sinh. Quá trình này kéo dài vài ngày, do đó cơ thể phải dựa vào miễn dịch tự nhiên trong thời gian đầu.

Có ba loại tế bào lympho làm trung gian miễn dịch chuyên biệt: tế bào T giúp đỡ, tế bào T độc tế bào, và tế bào B. Chức năng chính của tế bào T giúp đỡ là sản xuất ra các cytokine mà hướng dẫn và khuếch đại phần còn lại của đáp ứng miễn dịch. Các tế bào T độc tế bào nhận diện kháng nguyên được trưng bày bởi các tế bào bị nhiễm siêu vi trùng hoặc bị hủy (ví dụ: tế bào ung thư) và ly giải các tế bào đó. Tế bào B sản xuất các protein hoà tan gọi là kháng thể, có thể thực hiện một số chức năng bao gồm trung hoà độc tính vi trùng, gắn kết các siêu vi tự do để ngăn chúng xâm nhập vào các tế bào, và sự opsonin hoá, trong đó một lớp áo kháng thể làm tăng hiệu quả của miễn dịch tự nhiên. Có năm loại kháng thể: globulin miễn dịch (Ig) A được tìm thấy trong các chất tiết, IgE gắn với tế bào sao và liên quan với sự dị ứng, IgM dọn dẹp kháng nguyên khỏi máu, IgG hoà tan vào mô và qua được nhau thai, IgD chưa được hiểu rõ nhưng có thể do tế bào B non sản xuất ra.
Miễn dịch chuyên biệt ở người bao gồm miễn dịch tế bào và thể dịch. Các đáp ứng miễn dịch tế bào để chống lại các yếu tố bệnh nội bào như siêu vi trùng và được điều hoà bởi một phân nhóm các tế bào lympho T giúp đỡ được gọi là Th1. Trong đáp ứng Th1, tế bào T giúp đỡ sản xuất ra các cytokine, bao gồm IL-2 và interferon gamma (IFN?). Các cytokine này kích hoạt có chọn lọc các tế bào T độc tế bào cũng như các tế bào giết tự nhiên. Các đáp ứng miễn dịch thể dịch để chống lại các yếu tố bệnh ngoại bào như là ký sinh trùng và vi trùng; chúng được điều hoà bởi một phân nhóm các tế bào lympho T giúp đỡ được gọi là Th2. Trong đáp ứng Th2, tế bào T giúp đỡ sản xuất ra các cytokine khác, bao gồm IL-2 và IL-10, mà kích hoạt có chọn lọc các tế bào B và các tế bào sao để chống lại các yếu tố bệnh ngoại bào.

Các xét nghiệm miễn dịch

2.2. Các xét nghiệm miễn dịch
Các xét nghiệm miễn dịch có thể định lượng các tế bào, các protein hoặc các chức năng. Thông số cơ bản nhất là đếm số lượng các tế bào thuộc các phân nhóm khác nhau ( ví dụ: đa nhân trung tính, đại thực bào), điển hình từ máu ngoại vi. Điều quan trọng là có một số lượng đầy đủ các loại tế bào miễn dịch khác nhau ở những tỉ lệ đúng. Tuy nhiên, dãy bình thường  đối với các thông số liệt kê này quá lớn, vậy nên các số lượng và tỉ lệ “đúng” có thể lấy một dãy rộng và những thay đổi nhỏ chưa chắc có ý nghĩa lâm sàng đối với sức khoẻ con người.

Sự sản xuất protein, kháng thể hoặc các cytokine, có thể được đo lường trong thí nghiệm hoặc trong cơ thể. Đối với kháng thể và cả cytokine, sự sản xuất protein cao hơn có thể biểu thị một đáp ứng miễn dịch khoẻ mạnh hơn mà có thể tạo sự bảo vệ chống lại bệnh. Hai trường hợp ngoại lệ là các mức cytokine tiền viêm (IL-1, IL-2, và TNFa) và kháng thể chống lại siêu vi tiềm ẩn. Các cytokine tiền viêm được gia tăng với sự viêm hệ thống, một yếu tố rủi ro đối với sức khoẻ kém do bệnh tim, tiểu đường, loãng xương. Sự sản xuất kháng thể chống lại siêu vi tiềm ẩn xảy ra khi sự nhân đôi siêu vi khởi động hệ miễn dịch để sản xuất các kháng thể trong sự cố gắng kìm chế sự nhiễm trùng. Hầu hết mọi người trở nên nhiễm trùngcác siêu vi tiềm ẩn như siêu vi Epstein-Barr trong lúc lớn lên và còn tiếp tục nhiễm không triệu chứng trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Tuy nhiên, các quá trình khác nhau có thể kích hoạt các siêu vi tiềm ẩn này để mà chúng bắt đầu nhân đôi chủ động. Các quá trình này có thể bao gồm một sự suy sụp trong đáp ứng miễn dịch tế bào. Kháng thể cao hơn chống lại các siêu vi tiềm ẩn, có thể chỉ ra sự kiểm soát miễn dịch kém hơn đối với siêu vi.

Các xét nghiệm chức năng, được thực hiện trong phòng thí nghiệm,  đo lường khả năng của các tế bào thực hiện các hoạt động chuyên biệt. Trong mỗi trường hợp, các giá trị cao hơn có thể biểu thị chức năng miễn dịch hiệu quả hơn. Chức năng của bạch cầu đa nhân trung tính có thể được định lượng bởi khả năng di chuyển của chúng trong xét nghiệm thí nghiệm và khả năng của chúng trong việc giải phóng các gốc oxy. Xét nghiệm tính độc tế bào giết tự nhiên đo lường khả năng của tế bào giết tự nhiên để ly giải một dòng tế bào đích  nhạy cảm. Sự tăng sinh tế bào lympho có thể được kích thích bởi các yếu tố gián phân (mitogens) mà bỏ qua tính chuyên biệ kháng nguyên để kích hoạt các tế bào hoặc bởi sự kích thích thụ thể tế bào T.

3. Các con đường giữa sang chấn và hệ miễn dịch

Làm thế nào mà sang chấn “ vào bên trong cơ thể” để tác động đến sự đáp ứng miễn dịch? Đầu tiên, các sợi giao cảm đi xuống từ não vào các mô hạch gốc (tủy xương và tuyến ức) và thứ cấp (lách và hạch). Các sợi này có thể giải phóng một lượng thay đổi các chất mà ảnh hưởng đến các đáp ứng miễn dịch bằng cách gắn vào các thụ thể trên tế bào bạch cầu. Mặc dù tất cả bạch cầu lympho đều có thụ thể adrenergic, mật độ và độ nhạy khác nhau của các thụ thể này có thể ảnh hưởng đến sự đáp ứng đối với sang chấn giữa các phân nhóm tế bào. Ví dụ, tế bào giết tự nhiên có các thụ thể adrenergic ß2 ái lực cao và mật độ cao, các tế bào B có mật độ cao nhưng ái lực thấp, và các tế bào T có mật độ thấp. Điều thứ hai, trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận, trục giao cảm-thượng thân-tủy xương, và trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng  bài tiết các hormon thượng thận epinephrine, norepinephrine, và cortisol; các hormon tuyến yên prolactin và hormon tăng trưởng; và các peptide não melatonion, ß-endorphin, và enkephalin. Các chất này gắn vào các thụ thể chuyên biệt trên tế bào bạch cầu và có những hiệu quả điều hoà khác nhau theo sự phân bố và chức năng của chúng. Điều thứ ba, các nỗ lực của con người để kiểm soát những đòi hỏi của trải nghiệm sang chấn đôi khi dẫn họ đến những hành vi như sử dụng rượu hoặc thay đổi mô hình giấc ngủ, như vậy có thể làm thay đổi các quá trình hệ miễn dịch. Do vậy, hành vi biểu thị một con đường quan trọng tiềm ẩn nối liền sang chấn với hệ miễn dịch.
Maier và Watkins đã đề xuất một mối liên quan gần hơn giữa sang chấn và chức năng miễn dịch: những thay đổi miễn dịch liên quan với sang chấn được thích ứng từ những thay đổi miễn dịch trong sự đáp ứng với nhiễm trùng. Sự kích hoạt miễn dịch ở động vật có vú gây ra một hội chứng gọi là hành vi bệnh, bao gồm những thay đổi hành vi như  sự giảm hoạt động, giao tiếp xã hội, và hoạt động tình dục, cũng như gia tăng sự đáp ứng đối với đau, chán ăn, và khí sắc trầm cảm.

4. Các mô hình về sang chấn, hệ miễn dịch, và sức khoẻ
Các khái niệm về bản chất của mối liên hệ giữa sang chấn và hệ miễn dịch thay đổi theo thời gian. Selye (1975) phát hiện sự teo tuyến ức dẫn đến sự ức chế miễn dịch. Dhabhar và McEwen (1997, 2001) đề xuất một mô hình hai pha trong đó sang chấn cấp thời làm tăng, và sang chấn kéo dài gây ức chế đáp ứng miễn dịch. Một giả thuyết nổi tiếng nhất là sang chấn kéo dài gây ra sự gia tăng và ức chế đồng thời sự đáp ứng miễn dịch bởi việc báo động các mô hình tiết cytokine (Marshall và cộng sự, 1998).

5. Ai dễ bị tổn thương với những thay đổi miễn dịch do sang chấn?
Có những bằng chứng trực tiếp rằng sự ức chế miễn dịch có liên quan sang chấn có thể gia tăng tính dễ tổn thương đối với bệnh ở động vật, nhưng hầu như không có bằng chứng liên kết thay đổi miễn dịch có liên quan sang chấn ở người khoẻ mạnh với tính dễ bị mắc bệnh. Ngay cả những thay đổi miễn dịch lớn do sang chấn có thể gây những hậu quả lâm sàng nhỏ bởi vì sự dư thừa của các thành phần miễn dịch hoặc bởi vì chúng không tồn tại đủ lâu để gây bệnh.Tuy nhiên tính mềm dẻo của hệ miễn dịch có thể bị tổn hại bởi tuổi tác và bệnh.

Mất sự tự điều hoà là một đặc điểm của trạng thái bệnh. Trong bệnh tự miễn, hệ miễn dịch xử lý mô tự thân như là những yếu tố xâm nhập, tấn công nó và gây ra tình trạng bệnh lý như xơ cứng rải rác, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus ban đỏ. Sự nhiễm HIV tiến triển gây mất khả năng các tế bào T giúp đỡ dẫn đến sự mất điều hoà từ các tế bào này cung cấp.

6. Các phân tích hiện nay
Đây là một phân tích khối có tính định lượng về các kết quả liên kết sang chấn và hệ miễn dịch đã được xuất bản. Các nghiên cứu được kết hợp theo một cách thức để kiểm định các mô hình về sang chấn và thay đổi miễn dịch. Trước tiên, xem xét từng loại yếu tố sang chấn riêng biệt, thu được những ảnh hưởng riêng biệt đối với các yếu tố sang chấn về thời gian và quỹ đạo khác nhau. Thứ hai, xem xét dân số khoẻ và dân số bệnh, cho phép so sánh ảnh hưởng của sang chấn trên các dân số bị tổn thương và còn hồi phục được, đồng thời xem xét ảnh hưởng của tuổi tác. Cuối cùng, xem xét tất cả các thông số miễn dịch tách biệt để thấy được các mô hình đáp ứng rõ ràng hơn.

7. Phương pháp

7.1. Nhận diện bài viết
Các bài viết được nhận diện qua tìm kiếm y văn điện toán và danh mục tham khảo, MEDLINE và PsycINFO, từ 1960 đến 2001. Các thuật ngữ được sử dụng để tìm kiếm là sang chấn (stress), sự khó khăn (hassles), các sự kiện cuộc đời (life events) kết hợp với thuật ngữ miễn dịch (immune).
Chọn lựa các bài viết đáp ứng một số tiêu chuẩn: có đo lường sang chấn, yếu tố sang chấn tâm lý xã hội, có đo lường hệ miễn dịch.

7.2. Sự phân loại yếu tố sang chấn

Các yếu tố sang chấn được ghi mã thành năm loại là các yếu tố sang chấn: thời gian giới hạn cấp thời, tự nhiên ngắn, chuỗi sự kiện (dưới một năm), kéo dài (còn xảy ra), và từ xa (trên một năm).

7.3. Phân tích khối 
Tổng quát về các thủ tục. Phân tích khối là một công cụ để tổng hợp các kết quả nghiên cứu. Nó được tiến hành theo hai giai đoạn. Đầu tiên, các độ lớn tác động (độ lớn của mối liên quan giữa hai biến số) của mỗi nghiên cứu được tính riêng. Thứ hai, các độ lớn tác động từ mỗi nghiên cứu riêng biệt được kết hợp lại thành độ lớn tác động kết hợp cho mỗi kết quả miễn dịch nghiên cứu. Sử dụng chỉ số r Pearson để đo độ lớn tác động. Độ lớn tác động kết hợp tính bằng mô hình tác động-ngẫu nhiên trong phần mềm phân tích khối tổng hợp (comprehensive meta-analysis), giá trị thu được giải thích tương tự như hệ số tương quan [-1.00, 1.00].

8. Kết quả

8.1. Các phát hiện ban đầu
Phân tích khối dựa trên 293 nghiên cứu độc lập, với tổng số người là 18941. tuổi trung bình 34.8 ± 15.9 (5-78 tuổi). Có 51.3% dưới 30 tuổi; 42.8% nữ. Có 84.8% số nghiên cứu tập trung vào người lớn khoẻ mạnh. Trong dân số người có bệnh gồm có HIV/AIDS, viêm khớp, ung thư, suyễn.

Về khía cạnh các yếu tố sang chấn có 29% (k=85) số nghiên cứu thực hiện thử thách thí nghiệm cấp thời; sang chấn tự nhiên ngắn là 21.5% (k=63); chuỗi sự kiện sang chấn là 10.2% (k=30); sang chấn kéo dài là 7.8% (k=23); và trải nghiệm chấn thương từ xa là 3.1% (k=9).

Các kết quả xét nghiệm được đánh giá nhiều nhất là đếm tế bào lympho T giúp đỡ (30.7%), tế bào lympho T độc tế bào (27.6%), tế bào giết tự nhiên (22.9%), toàn bộ tế bào lympho (17.7%). Chức năng được đánh giá nhiều nhất là tính độc tế bào giết tự nhiên (32.1%) và sự tăng sinh tế bào lympho được kích hoạt bởi các yếu tố gián phân: phytohemagglutinin (PHA) (22.2%), concanavalin A (Con A)(13.3%), cây thương lục pokeweed (8.9%).

8.2. Giải thích các phát hiện phân tích khối

Đánh giá các độ lớn tác động xem xét ở các mức 0.1, 0.3, và 0.5 tương ứng với sự tác động nhỏ, trung bình, lớn. Độ lớn tác động kết hợp r được giải thích tương tự như sự tương quan [-1.00, 1.00]. Giá trị dương tính chỉ rằng sự hiện diện của sang chấn làm tăng các thông số miễn dịch đặc thù so với đường cơ bản.

8.3. Các kết quả phân tích khối đối với các tác động của các yếu tố sang chấn

Yếu tố sang chấn thời gian giới hạn cấp thời gồm nhiều thao tác thí nghiệm, như nói trước công chúng và làm toán đố, kéo dài từ 5 đến 100 phút làm tăng các thông số miễn dịch, đặc biệt là miễn dịch tự nhiên. Tác động ích lợi nhất là tăng số lượng tế bào giết tự nhiên (r = 0.43) và tế bào lympho hạt lớn (r = 0.53) ở máu ngoại vi. Tuy nhiên, các tế bào B và tế bào T giúp đỡ rất ít thay đổi. Tế bào lympho T độc tế bào tăng nhẹ (r = 0.20). Tăng IgA tiết trong nước bọt  (r = 0.22). Tỉ lệ tế bào T và B chịu trách nhiệm cho sự đáp ứng tăng sinh với r = – 0.11 và – 0.17 (ConA), nghĩa là giảm chức năng này của miễn dịch chuyên biệt. Tóm lại, có sự điều hoà lên miễn dịch tự nhiên và điều hoà xuống miễn dịch chuyên biệt. Các chỉ số khác về sự điều hoà lên của miễn dịch tự nhiên bao gồm tăng số lượng tế bào bạch cầu trung tính ở máu ngoại vi (r = 0.30), tăng sản xuất cytokine tiền viêm (IL-6) và cytokine kích thích đại thực bào, tế bào giết tự nhiên, tế bào T (INF?).

Yếu tố sang chấn tự nhiên ngắn chủ yếu liên quan đến việc thi cử ở sinh viên (k=60; 95.2%). Tác động lớn nhất trên các thông số chức năng, đặc biệt là những thay đổi ở sự sản xuất cytokine chuyển từ miễn dịch tế bào (Th1) hướng sang miễn dịch thể dịch (Th2). Giảm cytokine loại Th1, INF? (r = -0.30), kích thích miễn dịch tự nhiên và tế bào, và tăng cytokine loại Th2: IL-6 (r = 0.26), kích thích miễn dịch tự nhiên và thể dịch, và IL-10 (r = 0.41), ức chế sản xuất cytokine Th1. các số liệu xét nghiệm chức năng cho thấy có sự ức chế miễn dịch tế bào thông qua sự giảm sản xuất cytokine Th1: sự đáp ứng tăng sinh tế bào T  giảm có ý nghĩa (r = -0.19 đến -0.32), và tính độc tế bào giết tự nhiên cũng vậy (r = -0.11). Tăng sản xuất kháng thể đối với siêu vi tiềm ẩn, đặc biệt là siêu vi Epstein-Bar (r = 0.20).

Tuổi tác có ảnh hưởng đến sự thay đổi miễn dịch do yếu tố sang chấn tự nhiên ngắn. Ở người lớn tuổi hơn (tuổi nhóm này từ 15.7 đến 35.0), có sự giảm trong tính độc tế bào giết tự nhiên, sự tăng sinh lympho T, sản xuất cytokine INF?.

Chuỗi sự kiện sang chấn. Có sự tăng số lượng tế bào giết tự nhiên tuần hoàn và số lượng kháng thể với siêu vi tiềm ẩn Epstein-Barr. Sang chấn cái chết của bạn đời gây ra sự giảm tính độc tế bào giết tự nhiên (r = -0.23, k=6). Sang chấn thảm hoạ thiên nhiên lại gây tăng tính độc tế bào giết tự nhiên và kích thích sự tăng sinh lympho (r = 0.25, k=4), nhưng ở kết quả này không có ý nghĩa thống kê do số nghiên cứu nhỏ.
Sang chấn kéo dài bao gồm chăm sóc người sa sút tâm thần, sống với người tàn tật, và thất nghiệp.  Nó gây tác động âm tính trên hầu hết các đo lường chức năng của hệ miễn dịch (tự nhiên và chuyên biệt).
Sang chấn từ xa là các sự kiện sang chấn như chiến đấu hoặc bị lạm dụng nhiều năm trước khi đánh giá miễn dịch. Chỉ có tính độc tế bào giết tự nhiên được xem xét, nhưng không có thay đổi ở những người tham gia nghiên cứu.

8.4. Các kết quả phân tích khối đối với các tác động theo thang điểm
Sự kiện cuộc đời không chuyên biệt được mỗi cá nhân xác nhận theo một thang điểm chuẩn. Ở nhóm tuổi trên 55, các sự kiện cuộc đời gây giảm đáp ứng tăng sinh lympho với PHA (r = -0.40, k=2) và tính độc tế bào giết tự nhiên (r = -0.59, k=2). Ở nhóm dưới 55 tuổi, các sự kiện cuộc đời không liên quan đáp ứng tăng sinh lympho (p = 0.24) và chỉ giảm nhẹ tính độc tế bào giết tự nhiên (r = -0.10, k=8).

Có sự liên quan giữa sự kiện cuộc đời và các thông số miễn dịch ở những người mắc HIV/AIDS. Sự hiện diện của những sự kiện cuộc đời làm giảm có ý nghĩa số lượng tế bào giết tự nhiên và giảm tới hạn số lượng tế bào lympho T độc tế bào. Các chỉ số nhận diện sự tiến triển của bệnh HIV/AIDS như số lượng tế bào lympho T giúp đỡ, tỉ lệ phần trăm lympho T độc tế bào, và tỉ số T giúp đỡ/T độc tế bào đều không liên quan đến các sự kiện cuộc đời.

Giả thuyết rằng bệnh tự miễn làm giảm tính hồi phục và tự điều hoà của hệ miễn dịch, làm cho nó dễ bị phá vỡ do sang chấn, và điều này có thể là trường hợp của nhiễm HIV so sánh với người khoẻ mạnh. Tuy nhiên, các số liệu sẵn có không đủ để chứng điều đó.

9. Thảo luận
Hệ miễn dịch, đã từng được cho là tự trị, nay được biết là có đáp ứng với những tín hiệu từ các hệ thống khác trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và hệ nội tiết. Như là một hậu quả, các sự kiện môi trường gây các đáp ứng hệ thần kinh và hệ nội tiết cũng có thể gây đáp ứng từ hệ miễn dịch. Kết quả từ nghiên cứu phân tích khối này chứng tỏ có mối liên quan đáng tin cậy giữa các sự kiện sang chấn và các thay đổi ở hệ miễn dịch và đặc điểm của các sự kiện đó quyết định loại thay đổi nào xảy ra.

9.1. Các mô hình về sang chấn và hệ miễn dịch
Sang chấn gây ức chế toàn bộ hệ miễn dịch; giữa sang chấn và hệ miễn dịch có tính thích ứng, ít nhất là trong bối cảnh yếu tố sang chấn chiến đấu hoặc chạy trốn; sự cân bằng giữa miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch. Các kết quả của phân tích khối này ủng hộ cả ba mô hình trên. Tùy thuộc vào khung thời gian, các yếu tố sang chấn khởi phát điều hoà lên thích ứng của miễn dịch tự nhiên và sự ức chế của miễn dịch chuyên biệt.
Các thay đổi miễn dịch theo sau một sang chấn cấp tuân theo mô hình hiệu quả và bảo tồn năng lượng, điều hoà lên miễn dịch tự nhiên đòi hỏi ít thời gian và năng lượng để chống lại yếu tố xâm nhập. Tác động của yếu tố sang chấn ngắn như thi cử làm thay đổi sức mạnh của hệ miễn dịch, đặc biệt là chuyển ra khỏi miễn dịch tế bào và hướng đến miễn dịch thể dịch. Chuỗi sự kiện sang chấn gồm tang tóc và chấn thương. Tang tóc gây giảm tính độc tế bào giết tự nhiên. Chấn thương gây tăng không có ý nghĩa tính độc tế bào và gây tăng sự tăng sinh nhưng giảm  giảm số lượng tế bào T ở máu ngoại vi. Hầu hết yếu tố sang chấn liên quan đến sự ức chế miễn dịch tổng quát, hầu như giảm tất cả các đo lường miễn dịch chức năng. Khi tăng thời gian sang chấn dẫn đến sự thay đổi thích ứng chuyển sang thay đổi bất lợi, lúc đầu là miễn dịch tế bào và sau đó là chức năng miễn dịch nói chung.

Trên thực tế, hệ miễn dịch và các đáp ứng của nó rất phức tạp. Việc phân nhóm hệ miễn dịch thành các loại tự nhiên và chuyên biệt (tế bào và dịch thể) rất hữu ích và có ý nghĩa để hiểu được các tác động của các yếu tố sang chấn.

Các nghiên cứu phân tích khối khác có số lượng nghiên cứu và tính đồng nhất ít hơn như Herbert và Cohen (1993) phân tích 36 nghiên cứu 1977-1991, phát hiện tác động ức chế miễn dịch của sang chấn. Zorrila và cộng sự (2001) phân tích 82 nghiên cứu 1980-1996, phát hiện tác động thích ứng của yếu tố sang chấn cấp cùng với sự ức chế miễn dịch có yếu tố sang chấn kéo dài.

9.2. Những sự khác biệt cá nhân và thay đổi miễn dịch dưới sang chấn

Các biến số sinh vật như tuổi và tình trạng bệnh có điều hoà tính dễ bị tổn thương đối với sự giảm do sang chấn trong các đo lường miễn dịch chức năng. Tuổi tác và HIV , cả hai đều có liên quan đến sự già yếu miễn dịch và mất sự đáp ứng miễn dịch. Phân tích khối này không cho thấy tác động của giới tính trên đáp ứng miễn dịch với sang chấn.

Trong đáp ứng miễn dịch của người với các trải nghiệm sang chấn, có rất ít các nghiên cứu đo lường các trải nghiệm chủ quan, và các nghiên cứu đó có giớn hạn về mặt phương pháp nghiên cứu như kết hợp các yếu tố sang chấn không đồng nhất. Sự lạc quan và đối phó có điều hoà đáp ứng miễn dịch đối với yếu tố sang chấn trong một vài nghiên cứu.

9.3. Các cơ chế của tác động sang chấn trên hệ miễn dịch

Thực sự chưa có gì được biết về các con đường tâm lý nối liền các yếu tố sang chấn với hệ miễn dịch. Nhiều nhà nghiên cứu tranh luận rằng cảm xúc là con đường chung cuối cùng đối với các yếu tố sang chấn.

Nói theo cơ chế sinh học, lĩnh vực này còn xa và còn phải được tiếp tục tìm hiểu nhiều. Một số nghiên cứu đã cố gắng nhận diện con đường hormon liên kết các yếu tố sang chấn và hệ miễn dịch có thành công giới hạn.

Các nghiên cứu tương lai cũng có thể gặt hái từ việc quan tâm nhiều hơn vào hành vi như là một cơ chế tiềm tàng. Chiến lược này chứng tỏ hữu ích trong nghiên cứu các người bệnh trầm cảm, trong đó có sự giảm hoạt động cơ thể và chậm chạp tâm thần vận động, rối loạn giấc ngủ, … Cũng đã có bằng chứng ban đầu về sự mất ngủ có thể chịu trách nhiệm về một vài thay đổi của hệ miễn dịch đi kèm theo yếu tố sang chấn.

9.4. Sang chấn, hệ miễn dịch và bệnh

Câu hỏi bức bách nhất mà nghiên cứu tương lai cần phải đặt ra là phạm vi những thay đổi do sang chấn trong hệ miễn dịch có bao hàm ý nghĩa đối với tính nhạy mắc bệnh ở những người khoẻ mạnh. Trong 30 năm qua, chưa có nghiên cứu nào xác định những thay đổi hệ miễn dịch thông qua cơ chế sang chấn có tính gây khởi phát bệnh, ngoại trừ một nghiên cứu mới đây về nhiễm trùng hô hấp (Cohen, Doyle, và Skoner, 1999).

10. Kết luận
Sapolsky viết (1998), bệnh liên quan sang chấn xuất hiện, nổi trội, bên ngoài sự thật rằng chúng ta thường kích hoạt một hệ thống sinh lý mà đã tiến triển để đáp ứng những tình trạng cơ thể khẩn cấp, nhưng chúng ta mở nó ra hàng tháng trời liên tục, lo lắng về những khoản nợ, các mối quan hệ, và sự thăng chức.

Các kết quả trong phân tích khối này củng cố cho khẳng định trên theo ý nghĩa: yếu tố sang chấn có các thông số thời gian của các tình huống chiến đấu hoặc chạy trốn mà các tổ tiên tiến hoá loài người phải đối mặt đưa đến những thay đổi có lợi trong hệ miễn dịch. Tuy nhiên, một yếu tố sang chấn càng chệch ra khỏi các thông số đó bởi sự kéo dài thời gian, thì các thành phần của hệ miễn dịch càng bị ảnh hưởng nhiều theo hướng bất lợi.

Các nghiên cứu tương lai cũng cần thiết chứng minh hai ý kiến được nêu ra từ trích dẫn trên: (1) trải nghiệm chủ quan như lo âu chắc chắn gây ra thay đổi miễn dịch liên quan sang chấn nhiều hơn các trải nghiệm chủ quan và (2) thay đổi miễn dịch liên quan sang chấn dẫn đến bệnh liên quan sang chấn.

Bài viết đầy đủ tại địa chỉ: 
http://www.apa.org/journals/bul/press_releases/july_2004/bul1304601.html

Lược dịch: BS Lê Hiếu, BS CKI, Phó khoa khám bệnh I