RỐI LOẠN TÂM THẦN DO CÁC CHẤT MA TUÝ

4951

I/ HIỂM HỌA GHÊ GỚM CỦA TỆ NẠN MA TUÝ :

I.1/ Thế nào là nghiện ma tuý?

Có nhiều định nghĩa về từ ma túy. Từ  để chỉ những chất tự nhiên (thuốc phiện: sái, cơm cháy, hàng đen; lá cây Coca; bồ đà: cần sa, gai dầu, gai mèo…) hay tổng hợp (Héroine: xì ke, bạch phiến, hàng trắng..; Amphétamine: Maxiton: thuốc gây thức mà học sinh, sinh viên lạm dụng để học thi, Crak, Crystal, Speed, Ice, Eva, Adame, thuốc lắc trắng, hồng, hạt mè đen – trắng….đang thịnh hành trong vũ trường hiện nay; các loại tân dược gây nghiện như Séduxen, Valium, Témesta; Iménoctale: Xì coọc )…..và còn rất nhiều tên gọi khác nhau mà dân “ ken “ gọi lóng tùy hứng….

Đặc điểm chung của các chất này là tính gây nghiện, hấp thu nhanh, tạo nên trạng thái hưng phấn, xúc cảm vui vẻ, khoái lạc, quên mọi sự trên đời trong chốc lát. Hoặc đơn giản hơn là khi sử dụng nó thì khoan khoái, đê mê, sung sướng vô ngần, thiếu nó thì bị hành hạ về tinh thần và thể xác không thể chịu được  nên  người nghiện thèm muốn mãnh liệt sử dụng nó mọi lúc mọi nơi dù nó gây hậu quả rất xấu; một cảm giác tội lỗi sau khi thực hiện nhưng bằng mọi giá phải tìm ra cho bằng được nó nên người ta trở thành  nô lệ nó dù biết là sai trái .

I.2/ Một vài số liệu cần thiết nhắc lại để thấy tác hại cực kỳ nguy hiểm của việc dùng ma tuý:

* Việc lạm dụng ma tuý đã mang tính toàn cầu, nhiều người trong các nước giàu lẫn nước nghèo cũng lâm vào cảnh nghiện ngập nghiêm trọng .

Sự tiêu tốn  của cải xã hội vào việc phòng chống ma tuý rất lớn: tại nước Úc mỗi năm phải chi 1 tỷ Dollars, tại Việt Nam theo số liệu của Cục Phòng chống ma tuý Quốc gia năm 1997 cả nước hiện có # 132.000 người nghiện, nếu mỗi người nghiện sử dụng 100.000đ/ ngày thì  1 ngày nước ta đốt thành khói số tiền khủng khiếp là  # > 10 tỷ đồng ( đủ tiền xây dựng mới cơ sở điều trị tâm thần Lê Minh Xuân, 500 căn nhà tình nghĩa…).

* Riêng tại TP.HCM năm 1995 có 18.000 người nghiện. 6 tháng đầu năm 1998 số người nghiện nhập viện tăng gấp 3 lần so với cả năm 1997 ở cơ sở cai nghiện Bình Triệu. Đáng sợ là có > 80% người nghiện < 25 tuổi. Thậm chí số học sinh bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập ngày càng đông nhiều nhất là số học sinh cuối cấp 2 đầu cấp 3. Trong khi đó tại Mỹ thì lứa tuổi nghiện trong khoảng từ  30-35 tuổi.

I.3/ Tác hại khôn lường về mọi mặt XH của ma túy:

-Theo báo cáo của Sở Y Tế TP. HCM 6 tháng đầu năm 98 về phạm pháp tội phạm buôn bán ma túy tăng 230% so với năm 97; số vụ tăng 80%; số thuốc thu được tăng 58%. Hiện nay cả nước có # 132.000 người nghiện, 70% < 30 tuổi.

-Theo nghiên cứu của trường đại học Tự Do Bruxelles thì tại TP. HCM tỷ lệ nhiễm HIV trên người nghiện dùng tiêm chích lên đến 30%, có ý nghĩ hành vi tự sát là 25%.

-Đó là chưa kể đến sự băng hoại về đạo đức, biến đổi nhân cách một cách bệnh hoạn, đảo lộn trật tự kỷ cương gia đình, XH nghiêm trọng, sự tồn vong đất nước do ma túy đem lại một hiểm họa khôn lường.

– Vấn nạn ma túy hiện nay là một trong những hiểm họa của nước ta nói riêng & thế giới nói chung. Mặc dù pháp luật không hề khoan nhượng thậm chí gia tăng hình phạt đến mức cao nhất (tử hình), không có yếu tố gia giảm khung hình phạt đối với các tội danh có liên quan đến ma tuý. Nhưng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán ma tuý đã, đang và sẽ còn làm vấn nạn này càng ngày càng trở nên mất kiểm soát nếu không có chính sách hữu hiệu, phù hợp của Nhà nước, không có sự hợp tác chặc chẽ, đồng bộ của mọi gia đình, nhà trường, các tổ chức Đoàn thể, của toàn xã hội.

II/ CÁC BIỂU HIỆN LÂM SÀNG Ở NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY:

Cần thiết phải biết rằng ít khi người nghiện chỉ nghiện có 1 loại ma túy. Chỉ có giai đoạn đầu lúc mới sử dụng thì họ dùng 1 loại. Sau đó khi đã lậm sâu vào nghiện ngập, để đủ “phê” họ pha trộn nhiều loại ma túy chung với nhau. Hoặc pha những chất mà họ nghĩ rằng sẽ “phê” hơn . Thí dụ như họ pha thêm nước vôi, cà độc dược, thuốc chống dị ứng….Vì vậy trên thực tế & trên lâm sàng biểu hiện rất đa dạng.

Tuy nhiên có 1 biểu hiện chung, đó là xuất hiện “hội chứng cai” hay là hội chứng thiế, đói thuốc rất dễ nhận biết. Hội chứng nầy xuất hiện khi:

* Vì bất kỳ lý do nào đó ngưng sử dụng ma túy mà trước đó đã sử dụng số lượng nhiều hay trong thời gian kéo dài như : tù tội bị giam giữ, phải nhập viện, không có khả năng mua thuốc…

* Có >= 3 các biểu hiện sau đây sau khi ngưng sử dụng ma túy (thông thường thì sau cử dùng liều cuối cùng 8-12 giờ, người nghiện bắt đầu có thèm khát bắt buộc phải  sử dụng lại ma túy). Đó là:

+ Cảm xúc không ổn định: lo lắng, bất an, buồn bả, cáu gắt, giận dữ đến hung dữ….
+ Đau nhức cơ
+ Nôn – Buồn nôn
+ Dòi bò trong xương
+ Rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, vã mồ hôi, trụy tim mạch có thể tử vong.
+ Nổi da gà, dãn đồng tử
+ Rối loạn tâm thần như : mê sảng, kích động hành vi, vùng vẫy,  la hét, tự sát….
+ Chảy nước mắt
+ Tiêu chảy
+ Ngáp rất nhiều, liên tục

Việc nhận diện người nghiện ma túy không khó: tiều tụy, dơ bẩn, da xạm đen, sún răng, nhiều hình xâm quái dị, hành vi đáng ngò, mắt lấm lét, láo liên….Nhưng trong thời gian đầu & có đủ thuốc thì rất khó nhận biết.

III/ LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT SỚM TRẺ VỊ THÀNH THÀNH NIÊN ĐANG SỬ DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN – MA TÚY?

Việc này không những rất quan trọng mà còn có giá trị tiên lượng kết quả điều trị cũng như các biện pháp cần thiết tiếp theo. Bởi lẽ thời gian sử dụng, đường dùng, cách dùng ma túy sẽ chi phối phương thức điều trị .

Theo một số nhà tâm lý y – xã hội học, các biểu hiện gợi ý sau đây có thể nghĩ nhiều đến việc sử dụng ma túy:

* Có biểu hiện xài tiền quá nhu cầu cần thiết dưới mọi hình thức như  xin tiền đóng học phí, sửa xe, mua quần áo, dụng cụ học tập, tiệc tùng – liên hoan bè bạn…. mà trước kia không có hoặc rất ít.

* Giảm sút kết quả học tập, lơ là việc học trong thời gian ngắn mà không có lý do cụ thể.

* Thay đổi một số thói quen, tập tính tốt trước đây như thức khuya học bài chuyển sang ngủ sớm dậy trễ, sạch sẽ gọn gàng ngăn nắp sang dơ bẩn, cẩu thả. Hút thuốc, tập tành uống rượu, ra quán cà phê thường xuyên, đi nhẩy đầm mà trước kia không có. Giảm hoặc bỏ các sở thích trước kia như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, truy cập internet….

* Thay đổi tính nết so với trước kia thường xuyên cáu gắt, giận dữ vô cớ, ít tiếp xúc người thân, hỗn láo với cha mẹanh em nhất là sau khi không vòi được tiền.

* Thay đổi nhóm bạn so với trước kia mà nhóm bạn sau có những hành vi đáng ngờ: lắm lét, không vào nhà mà hẹn ngoài ngõ, quán cà phê….

*  Ra khỏi nhà vào những giờ giấc khá cố định nhất là lúc đi lờ đờ lúc về lanh lợi, hoạt bát

*  Sự xuất hiện hội chứng cai như đã mô tả ở trên.

* Đặc biệt những thay đổi trên xuất hiện sau một biến cố lớn trong gia đình như cha mẹ ly dị, bán nhà, người thân yêu mất….

IV/ ĐIỀU TRỊ CAI NGHIỆN MA TÚY NHƯ THẾ NÀO?

Có 2 việc cần phải giải quyết:

-Nhanh chóng đưa người nghiện ra khỏi hội chứng cai. Vì đây là giai đoạn khổ sở nhất của người nghiện do các triệu chứng liều thuốc mang lại. Sự đau đớn về thể xác & tinh thần mãnh liệt đến mức người nghiện có thể làm bất cứ điều gì để có thuốc. Tốt nhất là nên đưa người nghiện đến cơ sở điều trị cai nghiện nhà nước có đầy đủ phương tiện giúp người nghiện nhanh chóng cắt được cơn.

-Việc thứ 2 cực kỳ quan trọng hơn nhiều, đó là vấn đề hậu cai (là giai đoạn điều trị tiếp theo sau khi cắt cơn để phòng ngừa tái phát). Cần nhớ  nghiện ma túy là dạng bệnh đặc biệt. Nhu cầu được chữa trị (tự nguyện) luôn luôn bị sự thôi thúc thèm muốn mãnh liệt dùng lại ma túy. Bởi lẽ ngoài sự lệ thuộc thuốc, người nghiện còn có sự lệ thuộc về tâm lý. Mặt khác > 90% người nghiện tái nghiện là do chưa được giải quyết đúng mức ở giai đoạn hậu cai này.

Vấn đề này là một công việc rất lớn , rất phức tạp , cần thiết phải điều trị lâu dài , có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hộ. Việc từ bỏ ma túy hẳn là cực kỳ khó khăn đòi hỏi nhiều nổ lực của cá nhân người nghiện,  sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình & xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện ma túy vượt qua chính mình tái hòa nhập cộng đồng. Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện ma túy  như nhóm đồng đẳng, hội bạn giúp bạn trong điều trị hậu cai nghiện ma tuý  là điều cần thiết được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

V/ PHÒNG NGỪA VÀ GIẢM BỚT TỆ NẠN MA TÚY NHƯ THẾ NÀO?

Cần phải nhận thức rõ là triệt tiêu ma túy là một việc làm vô cùng khó khăn không chỉ là việc làm của riêng 1 nước mà phải có sự hợp tác nhiều quốc gia, lãnh thổ .

Hơn nữa, vấn đề tái nghiện ma túy sau cai chiếm tỉ lệ quá lớn > 90% đã làm cho vấn đề lớn càng thêm rối rắm, bế tắc nếu như không có một liệu pháp đồng bộ nhiều  ngành , bộ, sự đầu tư chiến lược trước mắt và lâu dài của nhà nước, XH, của những người tâm huyết. Trong đó, nền tảng gia đình đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong xây dựng nhân cách các thành viên trong gia đình vững mạnh, hài hòa đủ sức chống đỡ các biến cố trong cuộc sống muôn màu, phức tạp….

Gia đình, tế bào của XH là vấn đề cốt lõi: sự lơ là mối quan hệ các thành viên trong gia đình, chạy theo vật chất, coi thường các giá trị đạo đức, tính nhân bản: nghĩa vợ chồng, đạo cha con, anh em, bè bạn đã đưa đến một phần không nhỏ lối sống chuộng giá trị vật chất mà quên mất luân lý truyền thống gia đình đã gây hậu quả nặng nề của ngày hôm nay. Mặt khác: gia đình , trường học, xã hội như là cái kiềng ba chân , hỏng một cái chân nào thì cả khối không thể đứng vững nổi.

BS Huỳnh Xuân Thiện
Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Tâm Thần