NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG TỰ TỬ

283

Năm 2013 kỷ niệm lần thứ 11 Ngày Phòng chống tự tử trên toàn thế giới Tổ chức Y tế Thế giới, Hội Phòng chống tự tử thế giới (International Association for Suicide Prevention – IASP) với chủ đề “Kỳ thị – Rào cản phòng chống tự tử”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới và những đánh giá gần đây gánh nặng ngân sách dành cho công tác chăm sóc sức khỏe thì tự tử là một trong những khó khăn lớn ở các nước thu nhập cao và đang nảy sinh ở các nước thu nhập thấp.

Tự tử là một trong các nguyên nhân chết chóc, đặc biệt đối với người trẻ tuổi, mỗi năm có khoảng gần 1 triệu người tự tử, cao hơn số người chết vì bị giết và vì hậu quả chiến tranh. Cần nhớ rằng con số này không bao gồm những người tự tử nhưng không chết do được phát hiện và cứu chữa kịp thời, và những trường hợp này thường xảy ra nhiều hơn so với người tự tử thành công.

Số người tự tử bị bệnh tâm thần khá cao. Dự đoán chi phí chăm sóc điều trị bệnh tâm thần trong 2 thập kỷ tới chiếm khoảng 25 % tổng chi phí chăm sóc các loại bệnh tật (cao hơn chi phí chăm sóc các bệnh ung thư và bệnh tim mạch). Hơn nữa, số người bệnh tâm thần chết vì tự tử không được tiếp cận với công tác chăm sóc sức khỏe và các tổ chức xã hội còn cao, và trên thực tế các tổ chức này chưa đủ đáp ứng với diễn biến bệnh tật dẫn đến tự tử.

Chất lượng chăm sóc bệnh nhân tâm thần chưa tương ứng với tỷ lệ gia tăng bệnh tâm thần là một trong nhiều yếu tố làm nặng nề thêm sự kỳ thị người bệnh tâm thần có ý tưởng và hành vi tự sát. Tình trạng kỳ thị người bệnh tâm thần đã cắm rễ sâu ở hầu hết các xã hội và có thể còn tăng thêm do nhiều nguyên nhân khác nữa.

Một trong các nguyên nhân của kỳ thị là thiếu hiểu biết cơ bản về bệnh tâm thần và về tự tử. Tình trạng kỳ thị này có thể tác động trực tiếp tới việc thiết kế các tầm mức chương trình giáo dục cộng đồng mà mục đích nhắm tới là các đối tượng đặc biệt trong xã hội ( tuổi tác, trình độ học vấn, tôn giáo, …) Mục tiêu của các chương trình này là tăng cường nhận thức cho công chúng về các đặc trưng và điều trị bệnh tâm thần và / hoặc hành vi tự tử cũng như các trị liệu khác nhằm giúp đỡ người bệnh tâm thần

Sự hiểu biết chưa đủ để đấu tranh chống lại kỳ thị. Thái độ phán xét tiêu cực về người bệnh tâm thần và / hoặc có ý tưởng tự sát hoặc có xung động tự sát khá phổ biến trong nhiều cộng đồng xã hội.
Trong thực tế, nhiều nhân viên y tế chuyên ngành cảm giác cư xử, phán xét một cách khó chịu đối với người bệnh tâm thần phải trong khi bản thân họ phải vật lộn với bệnh tật và với ý nghĩ tự tử của mình.

Sự kỳ thị này có thể dẫn đến thất bại trong việc lựa chọn phương pháp chăm sóc hỗ trợ cho người bệnh tâm thần trong cơn khủng hoảng. Thay đổi thái độ phán xét tiêu cực đòi hỏi thời gian cố gắng lâu dài từ thay đổi các giá trị văn hóa cơ bản của cộng đồng, đồng thời đòi hỏi mọi cố gắng  nhằm sửa đổi các chuẩn mực điều trị chuyên khoa.

Kỳ thị còn là động cơ phân biệt không phù hợp và hạn chế trái luật pháp  đối với người bệnh tâm thần hoặc người có hành vi tự tử. Sự hạn chế trái luật pháp này có thể xảy ra ở từng cá nhân, từng cộng đồng và ở cơ quan chính quyền các cấp. Ở một số quốc gia, hành vi tự tử bị xem trái phép như một tội phạm.

Sự phân biệt đối xử người bệnh tâm thần và người có hành vi tự tử có thể ngăn cản họ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên khoa, ngăn cản họ trở lại với đời sống xã hội bình thường sau khi điều trị bệnh hoặc sau khi vượt qua cơn khủng hoảng. Rõ ràng, sự phân biệt đối xử này làm nản lòng người bệnh tâm thần trong cơn khủng hoảng bởi vì họ đang cần được ủng hộ và giúp đỡ mà không bị phán xét một cách xấu, không bị trừng phạt.

Sự kỳ thị có thể ảnh hưởng đến nguồn chi ngân sách cho công tác chăm sóc người bệnh tâm thần và người được cứu chữa sau tự tử. Các quốc gia thu nhập cao và thấp đều bị kỳ thị như tỷ lệ ngân sách nhỏ, không đủ đáp ứng với chi phí dành cho công tác chăm sóc người bệnh tâm thần.

Ngược lại, những cố gắng tăng thêm ngân sách để ủng hộ các sáng kiến chăm sóc sức khỏe công cộng trong lĩnh vực tâm thần thường rơi vào im lặng vì thiếu sự quan tâm của cộng đồng, các cấp chính quyền. Lý do, tất cả xuất phát từ sự kỳ thị (!).

Nỗ lực chống lại sự kỳ thị bằng sự cam đoan của các chương trình giáo dục rộng lớn trong công chúng thường ít mang lại hiệu quả. Tuy vậy, chúng ta không có sự lựa chọn, là từng người, các cơ quan chuyên ngành, các tổ chức và các cấp chính quyền cần thực hiện  2 mục tiêu: cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh tâm thần, người tự tử và giảm chi phí chăm sóc người tự tử cho gia đình và cho cộng đồng. Nếu chúng ta không  đương đầu và giải quyết các thách thức với sự kỳ thị, thì nó vẫn tiếp tục là rào cản lớn đối với công tác điều trị bệnh tâm thần và phòng ngừa tự tử.

Ngày Phòng chống tự tử thế giới là một cơ hội đặc biệt cho chúng ta tập trung năng lực giải quyết cơ bản tình trạng tự tử hiện nay. Thay đổi thái độ văn hóa đối với người bệnh tâm thần, đối với hành vi tự tử đòi hỏi có nhận thức khoa học về nhiều mặt ( chuyên khoa và xã hội học) để tác động đến các chuẩn mực cộng đồng trong thời gian dài.

Ngày Phòng chống tự tử là một sáng kiến thúc đẩy mọi người cùng hành động hướng về mục tiêu phát triển và sáng tạo các phương pháp mới nhằm loại bỏ sự kỳ thị người bệnh tâm thần và người tự tử.

Theo một nghiên cứu của Gs Ts Michael Phillips Trường ĐH Emory (Atlanta) công bố trên General Hospital Psychiatry tháng 9 – 10 / 2010 cho thấy người tự tử bị bệnh tâm thần tại Trung Quốc gần 70 %, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 90 %. Giải thích sự khác biệt quá cao này, các tác giả cho rằng do có thể do một số người tự tử đó chưa được thăm khám chuyên khoa tâm thần một cách đầy đủ nên chưa có chẩn đoán. Các tác giả nhận định có sự khác biệt với phương Tây về nguyên nhân, về mưu toan tự tử khi so sánh các tỷ lệ trên.

Bệnh nhân tâm thần tự tử vì ý tưởng hoang tưởng bị hại, vì ảo giác sai khiến, vì không nhận thức được hậu quả hành vi, v.v… là những cảnh báo quan trọng cho nhân viên y tế chuyên khoa và cho cả gia đình người bệnh. Quan trọng hơn nữa là tình trạng trầm cảm không còn hứng thú với cuộc sống, buồn chán tự đánh giá thấp bản thân, cảm giác tội lỗi nên có thể dẫn đến hành vi tự tử. Ngày nay trầm cảm là tình trạng bệnh lý xuất hiện khá nhiều ở cả người cao tuổi, người mắc bệnh kéo dài, người nghiện ma túy, … nên rất cần được sự quan tâm chú ý bằng cách thăm khám chuyên khoa sớm.

Các yếu tố tâm lý xã hội có thể có vai trò nhất định góp phần vào sự khác biệt của tỷ lệ người tự tử bị mắc bệnh tâm thần, hay nói cách khác các yếu tố xã hội rất quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ tự tử. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê tóm tắt các yếu tố tâm lý xã hội có thế làm tăng nguy cơ tự tử. Đó là thiếu vắng sự hỗ trợ xã hội, không việc làm, tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, bất hòa, bạo lực trong gia đình, sang chấn tinh thần trầm trọng, bạo lực và lạm dụng tình dục ở trẻ em, … Như vậy, thực tế đặt ra là cần có nhiều sáng kiến và chiến lược khoa học hơn trong công tác phòng chống tự tử như IASP đặt ra.

Hiện nay, do phương tiện thông tin nhanh nên nhiều trường hợp tự tử gây hậu quả hết sức nặng nề cho gia đình và xã hội được nhiều người biết đến.  Nhưng thông tin này cần được kết hợp kỹ năng chuyên sâu về thông tin với kiến thức nhất định về hoạt động tâm thần của con người đế tránh nhứng phán xét tiêu cực mới có thể góp phần giảm kỳ thị người bệnh tâm thần và người tự tử.

Bs CK II Phạm Văn Trụ. Bv Tâm thần Tp HCM.

Tài liệu tham khảo:
1. International Association for Suicide Prevention. World Health Organization.  Stigma: A major barrier to suicide prevention. World Suicide Prevention Day.September 10, 2013.
2. Joan Arehart-Treichel. Suicide attempters in China approached differently from West. International News January 07, 2011.
3. Michael R. Phillips MD., MPH. Rethinking the role of mental illness in suicide. Am J Psychiatry 2010 ; 167:731-733. 10. 1176/appi.ajp. 2010. 10040589. American Psychiatry Association. Editorial July 01, 2010.
4. Stan Kutche and Sonia Chehil. Suicide Risk management. A manual for Health Professionals. BlackwellPublishing. 2009.