LO ÂU VÀ TRIỆU CHỨNG CƠ THỂ: HÌNH THÀNH MỘT HỘI CHỨNG MỚI ?

6543

Rối loạn lo âu là một trong những chẩn đoán phổ biến trong chuyên ngành tâm thần. Bệnh thường bắt từ những lo lắng, stress do áp lực công việc hay tiền sử bị lạm dụng, bạc đãi trong môi trường thiếu thân thiện cởi mở, … không được chữa trị kịp thời. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác như kinh tế, gia đình, di truyền, v.v… Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa các rối loạn lo âu và các triệu chứng cơ thể diễn ra đồng thời được gọi một cách lạm dụng thuật ngữ là “cơ thể hóa”. Thực tế thăm khám điều trị ngoại trú cũng ghi nhận hàng loạt các triệu chứng “cơ thể hóa” này như “một tập hợp các biểu hiện lo âu”.

Bệnh nhân rối loạn lo âu thường phải chịu đựng một loạt các triệu chứng bệnh cơ thể xảy ra đồng thời có thể hình thành một hội chứng mới với tên gọi là các chữ viết tắt ALPIM. Đó là A: Anxiety-lo âu; L: Laxity-uể oải; P: Pain- đau nhức; I: Immune- miễn dịch (phản ứng dị ứng của cơ thể như khó thở); M: Mood- khí sắc (thay đổi tính khí như buồn chán thất thường).

Các bác sĩ thường không chú ý tới hội chứng này và gạt bỏ mối liên kết với các triệu chứng bệnh khác trên cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện tần suất của các triệu chứng lo âu và các triệu chứng thuộc các lĩnh vực trên cao hơn nhiều so với trong dân số chung.

Cần lưu ý rằng trong chuyên ngành tâm thần, một số rối loạn kể trên đã được mang tên triệu chứng thực thể, và ngày nay được nhìn nhận thật sự là các triệu chứng biểu hiện bệnh lý trong lĩnh vực nội khoa khác.

Nhóm nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm lâm sàng và kết quả các nghiên cứu trước đó cho biết có một mối liên quan rõ ràng giữa các rối loạn lo âu và các biểu hiện bệnh lý xảy ra cùng lúc của một số cơ quan trong cơ thể. Chúng ta có thể kể ra các biểu hiện chủ yếu của ALPIM:

• Đối với các rối loạn lo âu: gồm các cơn hoảng loạn, cơn lo âu lan tỏa và ám ảnh sợ xã hội.

• Các biểu hiện uể oải mệt mỏi: nhức mỏi khớp xương, suy van tim (hở van 2 lá), ngoẹo mỏi xương sống, quá mỏi phải cử động nhiều lần, quay vặn lưng nghe tiếng kêu.

• Các triệu chứng đau gồm đau co cơ bắp, dây chằng khớp xương, đau đầu kéo dài hàng ngày, đau hạ vị làm kích thích gây tiểu nhiều lần.

• Lĩnh vực miễn dịch thể hiện cơn khó thở như suyễn, suy giảm hoạt động tuyến giáp, hội chứng mệt mỏi mạn tính và viêm mũi dị ứng.

• Cuối cùng là các rối loạn khí sắc (hay tính khí) như cơn hưng cảm nhẹ hoặc cơn trầm cảm, các giai đoạn trầm cảm nặng, cơn trầm cảm chu kỳ ngắn và tình trạng phản ứng của cơ thể với thuốc chống trầm cảm khi bắt đầu uống.

Dựa trên Bản Câu hỏi khảo sát về ALPIM nhằm nhận định bệnh nhân ALPIM bằng phương pháp cắt ngang, tự nhiên, các tác giả phát hiện nhóm bệnh nhân có các lĩnh vực bệnh lý đồng diễn kèm theo cao hơn rõ rệt so với nhóm người tham gia trong dân số chung. Kết quả cụ thể như sau:

• Tần suất đau khớp xương 59,3 % và sa van tim 32,9% so với 10 -15 % và 2,4% ở nhóm người bình thường tham gia khảo sát.

• Tần suất đau co cơ và dây chằng khớp xương 80,3 % , hội chứng kích thích đại tràng 76,3% so với 2,1% – 5,7 % và 17% ở nhóm người bình thường.

• Về các biểu hiện bệnh lý hệ miễn dịch như viêm mũi dị ứng và hội chứng mệt mỏi mạn tính cũng có sự khác biệt tương tự

• Về các rối loạn khí sắc, tần suất rối loạn trầm cảm nặng là 92,2 % so với 16,6% trong dân số chung. Tần suất cơn trầm cảm lưỡng cực và cơn trầm cảm chu kỳ ngắn là 71,1%, 67,1% so với 3,9% và 0,56% trong dân số chung.

• Tần suất của phản ứng của cơ thể khi bắt đầu uống thuốc chống trầm cảm là 92,1% so với 9%- 57% trong dân số chung.

Phân tích thống kê cho thấy hơn 80% bệnh nhân có tiền sử cơn lo âu hoảng loạn, đau co cơ bắp, cơn trầm cảm nặng và phản ứng với thuốc chống trầm cảm khi bắt đầu điều trị. Có thể nhận định các biểu hiện kể trên là kiểu hội chứng ALPIM. Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy có mối liên quan rõ ràng giữa co cơ nhức mỏi, sa van tim 2 lá với rối loạn khí sắc chu kỳ ngắn (chủ yếu cơn trầm cảm ngắn, cơn hưng cảm ngắn khó phát hiện). Đau đầu kéo dài hàng ngày xảy ra đồng thời trong rối loạn trầm cảm lưỡng cực (chủ yếu là giai đoạn trầm cảm nặng) rất rõ rệt.

Theo Gs Ts Coplan, Trung tâm Y khoa Downstate SUNY, New York City, không có nhiều hy vọng hội chứng ALPIM được chấp nhận vì chưa được mọi người quan tâm. Bản câu hỏi đã được thực hiện nhưng không dùng để chẩn đoán hội chứng ALPIM.

Khi điều trị lo âu và các rối loạn khí sắc, chúng ta giúp bệnh nhân ngủ ngon, vượt qua stress, ngưng tiết xuất cytokine, … sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đối với các bác sĩ, còn cần nhiều thời gian để nhận biết, để thay đổi tư duy, … nhưng đối với kết quả nghiên cứu này, chúng tôi đã có bản câu hỏi test và mở mang tầm nhìn. Trong y khoa còn nhiều điều chúng ta chưa biết và chưa có phương tiện kỹ thuật nghiên cứu nhưng chúng ta đã gặp nhiều bệnh nhân có nhiều rối loạn xảy ra đồng thời và đây là cơ hội tìm hiểu.

Cho tới hiện tại, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân khai lo lắng, mất ngủ, tập trung làm việc kém, mệt mỏi, buồn phiền, giật mình lo nghĩ vô cớ, dễ quạu cọ … Có người có từng lúc bứt rứt, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, nặng hơn cảm giác lạnh tê tay chân và toát mồ hôi phải nhập viện cấp cứu nhưng không phát hiện bệnh lý tim mạch hay thần kinh khác. Kết quả “hở 1/4 van 2 lá” theo kết quả siêu âm tim cũng góp phần làm trầm trọng thêm triệu chứng lo âu. Tuổi trẻ hơn thì cảm giác phải đi tiêu tiểu nhiều lần, nhất là khi có áp lực việc làm, học hành hay sự kiện thay đổi ngoài ý muốn,… Cùng với tiêu chuẩn thời gian có thể chẩn đoán là các rối loạn lo âu hoặc các rối loạn trầm cảm.

Tuy nhiên, không ít bệnh nhân, đặc biệt là nữ trung niên trẻ, thường kèm theo các triệu chứng đau đầu, đau cứng cổ gáy, nhức mỏi khớp xương, hay cảm giác tê chạy rần rần, v.v… và hầu hết những bệnh nhân này đã được tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh vói kết quả bình thường. Đây có thể là những triệu chứng bệnh lý nội thần kinh đã “thực thể hóa” từ các rối loạn lo âu. Hay nói cách khác, dễ hiểu hơn, là các biểu hiện này xảy ra đồng thời (hoặc đồng diễn) với rối loạn lo âu, với các giai đoạn của rối loạn khí sắc.

Trong nghiên cứu của El-Gabalawy  và cộng sự  năm 2013, hơn 90% rối loạn lo âu có các rối loạn tâm thần khác, rối loạn nhân cách và các bệnh lý cơ thể. Thường gặp nhất là các rối loạn lo âu khác cùng xảy ra, là rối loạn khi sắc và lạm dụng các chất gây nghiện và chúng thường dẫn đến hạn chế kết quả điều trị. Các biểu hiện đồng diễn của các bệnh lý cơ thể như bệnh lý tim mạch, xương khớp, hô hấp như hen suyễn và đau đầu, đau nửa đầu Migraine thường làm nặng thêm các rối loạn lo âu. Theo DSM-5, các chẩn đoán rối loạn thực thể hóa, rối loạn đau, và nghi giả bệnh được thay thể bằng rối loạn triệu chứng thực thể (somatic symptom disorder), rối loạn tình trạng lo âu (illness anxiety disorder).

Về điều trị các rối loạn lo âu, có ít hay nhiều triệu chứng bệnh đồng diễn, các thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI, SSNI cần được dùng sớm và kéo dài, trong đó chỉ định loại thuốc nào phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của từng người bệnh khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm đánh giá của bác sĩ điều trị. Một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân không cần dùng kết hợp các thuốc chữa đau đầu hay thuốc giảm đau. Tuy nhiên cần chú ý các chẩn đoán phân biệt và nhận định các thể loại lo âu đặc biệt. Thuốc chống trầm cảm nếu không được chỉ định thích hợp nhất rất dễ gây ra những phản ứng khó chịu cho người bệnh và do đá ảnh hưởng tới sự tuân thủ và hiệu quả chữa trị sau này. Sự kết hợp hợp lý với các loại thuốc có cơ chế tác dụng giải lo âu, một vài thuốc chống loạn thần thế hệ mới và tâm lý trị liệu cũng mang lại hiệu quả khá cao.

ALPIM mang ý nghĩa mong muốn các bác sĩ điều trị về một tập hợp các triệu chứng xảy ra đồng diễn trong cùng thời gian được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần nghiên cứu điều trị từ lâu bằng sự phát triển của các nhóm thuốc chống trầm cảm, các phương pháp tâm lý trị liệu và một số phương pháp kỹ thuật mới liên quan đến sinh học thần kinh.

                                                                                                                  Bs Phạm Văn Trụ. Bv TT Tp HCM.
Tham khảo:
1.Liam Davenport. New Syndrome Links Anxiety and Physical Disorders. July 22, 2015. Medscape Medical News > Psychiatry. J Neuropsychiatry Clin Neurosci. 2015;27:93-103. Abstract.
2.Robert E. Hales, MD, MBA. Stuart C. Yudofsky, MD. Laura Weiss Robert, MD, MA. Textebook of Psychiatry. American Psychiatric Publishing. Sixth Edition.2015. Page 392;420-25; 531-32.