KHẢO SÁT CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ BIỆN PHÁP CAN THIỆP Ở THANH NIÊN CÓ MƯU TỰ TỬ

273

Mục đích: 

Tỷ lệ thanh thiếu niên đã tự tử tăng khoảng 4 lần vì trẻ rất nhạy cảm với những sang chấn trong cuộc sống và dễ dẫn đến hành vi tự tử. Việc theo dõi và điều trị các thanh thiếu niên đã có hành vi tự tử nhưng được cứu sống không thể thiếu được khâu chẩn đoán các rối loạn tâm thần kết hợp để điều trị kịp thời và xác định các yếu tố sang chấn để có thể áp dụng các liệu pháp tâm lí kết hợp. Mục tiêu của đề tài này nhằm các định các yếu tố nguy cơcủa các trường hợp tự tử để bước đầu xây dựng các biện pháp theo dõi, điều trị và phòng ngừa thích hợp.

Phương pháp nghiên cứu: 

Phân tích có can thiệp bằng thuốc điều trị và tâm lí liệu pháp kết hợp thực hiện trên 145 trường hợp có hành vi tự tử được phát hiện tại các phòng cấp cứu của bệnh viện và các trung tâm y tế của một số quận huyện trong TP.HCM.

Kết quả: 

Đa số các trường hợp tự tử là nữ giới, có trình độ học vấn cấp II và III. 130 trường hợp tự tử (89,7%) có sang chấn kết hợp, 60% trường hợp sang chấn là bị bỏ rơi, ly tán hay do bất đồng, xung đột tâm lý. Ngoài ra, có 56 trường hợp (38,6%) có bệnh lí tâm thần kết hợp, trong đó trầm cảm chiếm 57,14%.

Kết luận: 

Tự tử được xem như là một cách, một phương tiện nhằm giải tỏa những bế tắc trong cuộc sống, những sang chấn mà con người không vượt qua hay không giải quyết được. Vì vậy, cần có những biện pháp để tư vấn kịp thời về tâm lý cho những trường hợp bị sang chấn, và nên quan tâm nhiều hơn về sự thay đổi tâm sinh lí của thanh thiếu niên nhất là đối với giới nữ.

 Lâm Xuân Điền và cộng sự.