HÃY CHUNG SỐNG VỚI NHAU VÀ CÓ SỨC KHOẺ TỐT

94

Cuộc sống đã có trên trái đất từ nhiều tỷ năm, từ những tế bào nguyên thủy rồi đến các sinh vật mà chúng ta nhìn thấy quanh chúng ta. Nhưng một số loài lại đột nhiên biến mất trên trái đất với những lý do chưa được hiểu rõ, nhưng nói chung có thể xem là do khí hậu là chính. Loài vượn người đã xuất hiện cách đây khoảng 35 triệu năm và phát triển dần dần thành xã hội loài người.

Có thể nói là cho đến thế kỷ XX con người còn sống tương đối cân bằng với môi trường. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, nhiều chất thải độc hại của các nhà máy hiện đại không thể hủy bỏ được và để lại nhiều hậu quả tai hại cho môi trường. Lần đầu tiên trong lịch sử  thế giới, loài người đã đạt được một mức độ phát triển kỹ thuật cho phép con người tự hủy diệt mình một cách dễ dàng.

Vấn đề của các vụ nổ hạt nhân

Ngày 19 tháng 9 năm 2004, hội nghị Quốc tế lần thứ 16 của Hội những người thầy thuốc ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân đã nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự đe dọa về hạt nhân càng ngày càng nặng nề hơn và khả năng thực hiện càng rõ nét hơn. Sống dưới một sự đe dọa nặng nề như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe tâm thần? Nhiều bác sĩ tâm thần nổi tiếng đã đưa ra những giả thuyết.

Từ những năm 80, bác sĩ Lifton, chuyên gia tâm thần tại Đại học Yale cho biết là theo ông dưới sự đe dọa đó, phần lớn người ta, kể cả thầy thuốc luôn sống trong một trạng thái tinh thần nặng trĩu, lo toan cho cuộc sống hàng ngày và những vấn đề ngắn hạn, không dám nghĩ đến những cái gì sẽ xảy ra đối với hành động của một số ít người. Khi nhận định mối đe dọa đó, phản ứng đầu tiên của họ là phủ nhận. Chúng ta cũng dễ biết kiểu phản ứng này đối với những bệnh nhân mà chúng ta nói với họ rằng họ đã bị ung thư ở giai đoạn cuối. Chúng ta biết rằng phải mất khá nhiều thời gian để họ chấp nhận sự  thật này và họ có thể bắt đầu suy nghĩ về những công việc họ sẽ làm. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có thể so sánh với một người lái chiếc xe chạy 200 km/giờ đi ngang qua một thành phố đông đúc người. Anh ta hiểu rằng tai nạn có thể xảy ra và cái chết là sự kết thúc của mình. Anh ta không suy nghĩ, vì bị lôi kéo bởi tốc độ. Thật ra sự việc như vậy đã xảy ra rồi, sau các vụ thử hạt nhân ở những vùng sa mạc và một số quần đảo trên đại dương, được chọn lựa rất kỹ càng, nhưng lính và cả dân cư những vùng đó vẫn đã phải chết và nhiều người còn tiếp tục đau khổ vì các vụ nổ hạt nhân đó.

Người ta nghĩ rằng kho vũ khí hạt nhân của nhiều nước tồn tại chỉ để làm cho người khác sợ không dám tấn công và phải tự vệ vì kẻ kia là một mối đe dọa. Người ta quên đi rằng hiện nay hàng nghìn vũ khí hạt nhân đã “sẵn sàng được sử dụng”. Sức công phá hàng tỷ tấn dư sức để tiêu diệt cả nhân loại. Những người còn sống sót sẽ không thể kiếm được những gì cần thiết để sống nhằm tạo dựng lại xã hội loại người (mùa đông hạt nhân sau những vụ nổ khủng khiếp sẽ kéo dài nhiều tuần và ngăn cản mọi tổng hợp quang học). Một quả bom hydrogène 300 kilotôn nổ trên một thành phố trung bình sẽ tỏa ra một nhiệt lượng và một độ phóng xạ lớn đến mức mà sự sống sẽ bị tiêu diệt trên một đường kính 1,5km. Những cơn lốc và gió mạnh tiếp theo đó sẽ phá vỡ các cấu trúc và kéo theo hỏa hoạn trên hàng chục km2. Không có một người nào có thể sống trong một vùng trên 10km đường kính và lửa sẽ thiêu rụi tiếp tục. Người ta có thể ước tính khoảng một triệu người sẽ chết, không kể những người bị thương vì hậu quả của chất phóng xạ trong nhiều năm sau. Ai sẽ dám phóng một đầu đạn trước nếu biết rằng sẽ có phản ứng của phía bên kia.

Thế nhưng chúng ta cũng biết là con người cũng có thể phạm sai lầm, chưa kể đến sai lầm của những hệ thống báo động. Nhiều nước có vũ khí hạt nhân, thì khả năng sai phạm càng cao. Chúng ta cũng biết rằng nhiều cuộc đối mặt có thể tạo ra những stress mạnh đến mức mà sự phán xét trở nên mù quáng. Thêm vào đó, những nước muốn tự bảo vệ mình nghĩ rằng phải tăng thêm kho dự trữ và cũng có thể bị các tập đoàn có nhiều lợi ích trong những chi phí vô ích đó thúc đẩy. Số lượng tồn kho hiện nay có thể làm nổ tung hành tinh chúng ta trong một thời gian ngắn.

Việc hủy bỏ dự luật 1994 cấm sử dụng vũ khí hạt nhân loại nhỏ, dưới 5 kilotôn, có thể cho phép chế tạo và sử dụng một tên lửa nhỏ mang đầu đạn hạt nhân. Những bom mini này rất nguy hiểm. Những cuộc thử nghiệm cho thấy bom mini sẽ tung ra trên một diện tích vài km2 một độ phóng xạ có thể giết chết nhiều người trong một thời gian ngắn hoặc dài. Thêm vào đó, nó làm cho con người quen với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và làm cho nó có thể chấp nhận được về mặt tâm lý mặc dù những tổn thất liên quan không thể chấp nhận được đối với các nhà khoa học.

Hội Những Thầy Thuốc Ngăn Ngừa Chiến Tranh Hạt Nhân (IPPNW, International Physician for the Prevention of Nuclear War) được thành lập từ năm 1970 bời những thầy thuốc có tên tuổi như : Bs. Low, chuyên khoa Tim Mạch ở đại học Harward và Bs. Chazov, viện sĩ viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô cũ. Tiếp theo có trên 200.000 bác sĩ đã nhanh chóng tham gia Hội và 80 nước đã có những tổ chức hoạt động cho Hội. Mỗi người đều đem đến sự hỗ trợ của họ cùng với nhiều nhà khoa học khác như vật lý, sinh học, nông nghiệp, hóa học, thủy văn, … nhằm cho mọi người hiểu được sự bất lực của họ để cứu vớt, chăm sóc nếu khi sự kiện xảy ra. Họ chỉ muốn ngăn ngừa và tìm hiểu cách thức để làm cho nó không thể xảy ra được.

Hội nghị Bắc Kinh 2004

Hội nghị tại Bắc Kinh 2004 làm sáng tỏ những mối nguy hiểm mới đặc trưng cho thời đại chúng ta : sự gia tăng của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tăng thêm khả năng sai phạm, việc thử những bom mini với đầu đạn hạt nhân, phóng xạ diện rộng, khái niệm về chiến tranh phòng ngừa, việc phủ nhận quyền hạn của luật pháp đã được Liên Hiệp Quốc thông qua và khả năng về khủng bố hạt nhân. Tình trạng trên đây làm cho ta nghĩ đến những tai họa khủng khiếp của nhiều nước nếu không nói đến của cả hành tinh.

Trước khả năng mới của loài người trong việc tự hủy hoại mình và kéo theo đó hủy hoại cả trái đất, nền văn minh và khả năng tự nuôi sống, … chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn đối với phía bên kia như một người khác chứ không phải như một kẻ thù phải tiêu diệt. Loài người đã đạt được một trình độ kỹ thuật phi thường, cho nên cần phải ý thức là con người có những mối phụ thuộc lẫn nhau, và cần phải học cách sống chung với nhau để khỏi phải chết chung với nhau. “Để tồn tại, con người phải thay đổi cách suy nghĩ của mình” tiếp bước Einstein, tiến sĩ Errera, giáo sư về Y Học Hạt Nhân ở Đại Học Tự Do Bruxelles đã nói như vậy. Thật ra khả năng tự hủy diệt hiện nay của con người bắt buộc con người từ bỏ sự chạy đua điên rồ về vũ khí luôn chính xác và nhanh hơn với lý do tự vệ, thật hay tưởng tượng, hoang phí của cải có hạn của thế giới trong khi đó một phần tư nhân loại sống dưới sự nghèo khó. “Sống chung hay chết” đưa chúng ta đến khái niệm “hợp tác, bổ sung lẫn nhau và không đối đầu vũ khí”.

Hội Những Thầy Thuốc Ngăn Ngừa Chiến Tranh Hạt Nhân có mục tiêu nâng cao nghiên cứu và tìm kiếm thông tin về vũ khí hạt nhân, sự nguy hiểm trong việc sử dụng và dự trữ chúng, những sai sót có thể. Hội cũng muốn chứng minh mối liên quan giữa cuộc chạy đua vũ trang và sự bần cùng hóa trong những xã hội phát triển, cũng như trong nước phát triển thấp.

Hội cũng muốn “hủy bỏ” những định kiến luôn duy trì sự nghi kỵ và sự đối lập thường được khuyếch đại bởi các phương tiện thông tin kém khách quan. Những bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý của Hội đã chứng minh (phân tích) và giải thích nguồn gốc của những cơ chế đó và việc một số dân tộc bị gọi là xấu.

Chúng ta có trách nhiệm kêu gọi mọi người hãy ý thức về những hậu quả, vì sự an toàn của nhân loại, không duy trì và phát triển vũ khí hạt nhân cũng như hủy bỏ những chính sách dựa trên sự sợ hãi, sự đàn áp và vũ lực. Làm như vậy nhằm cho phép con người sống trong một môi trường tương đối tốt cho sức khỏe tâm thần của mình.
Olivette  Mikolajczac, BS tâm thần, Bỉ.

BS. Lâm Xuân Điền, BS, Nguyên Giám đốc BVTT TP.HCM.