Khoa Tâm lý Y học – Bệnh viện Tâm thần Tp.HCM
Hiện tại, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng người bệnh đi khám tại bệnh viện Tâm thần TP.HCM để điều trị những vấn đề tâm lý hậu COVID-19 dần tăng cao. Khi sống với những căng thẳng liên quan tình trạng COVID kéo dài, nhiều người bệnh thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là mất ngủ và lo âu.
Hội chứng Hậu COVID-19 bao gồm các dấu hiệu và triệu chứng phát triển trong lúc hoặc sau tình trạng nhiễm COVID-19 kéo dài có thể đến hơn 12 tuần mà không thể giải thích được bởi một chẩn đoán khác. Thông thường hội chứng này gồm một tập hợp các triệu chứng thường chồng lấp nhau, dao động và thay đổi theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống nào của cơ thể.
Hội chứng này có thể để lại hơn 200 di chứng với các biểu hiện về thể chất, tâm lý, nhận thức. Thường hay gặp các dấu hiệu như mệt mỏi, xơ phổi, vấn đề trí nhớ, đột quỵ, mất ngủ và tổn thương thận cấp và từ đó nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng cá nhân và xã hội của người bệnh.
- Những biểu hiện tâm lý hay gặp sau khi người bệnh đã khỏi bệnh COVID-19
Sau khi đã được xác định là khỏi bệnh COVID-19, người bệnh vẫn có thể gặp một số biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, khó ngủ, hay lo lắng, buồn chán, căng thẳng, gặp khó khăn trong những hoạt động sinh hoạt thường ngày hơn trước đây (làm việc, học tập, giao tiếp…), hay quên, dễ bị gợi nhớ lại những ký ức khó chịu lúc bệnh nặng khi nhiễm COVID-19 giai đoạn cấp tính…
Những biểu hiện hoàn toàn có thể giống với các rối loạn liên quan căng thẳng, rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác. Vì vậy, khi có những dấu hiệu này, cần gặp nhà chuyên môn về hỗ trợ – chăm sóc sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng để được thăm khám, hỏi bệnh và đánh giá kỹ vấn đề để xác định người bệnh chỉ là bị các rối nhiễu tâm lý liên quan hội chứng Hậu COVID-19 hay ở mức độ nghiêm trọng hơn là mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần để được can thiệp và điều trị phù hợp.
- Nguyên nhân
Ngoài những yếu tố sinh học thần kinh chưa được chắc chắn hoàn toàn mà dựa vào những tổn thương phát hiện trên các cơ quan thực thể như hệ hô hấp, tim mạch, não, thận, v.v… thì còn có các yếu tố thuộc tâm lý góp phần dẫn đến những vấn đề này như lo lắng về tốc độ lây lan nhanh của virus, căng thẳng hoặc buồn chán của việc bị cách ly hay dãn cách xã hội, đau buồn do mất mát người thân đột ngột, cảm nhận thay đổi về cơ thể kéo dài như thường xuyên thấy mệt mỏi, trải nghiệm các triệu chứng nặng. Từ đây, những phản ứng tâm lý như ảnh hưởng đến cách nhìn tiêu cực, bi quan về sức khỏe, công việc và tương lai của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này dễ dẫn đến người sau nhiễm COVID thường buồn chán, lo âu và bận tâm quá mức về các cảm giác mệt mỏi của cơ thể cũng như tái mắc COVID; những hồi ức tái hiện sau khi trải nghiệm bệnh nặng; thậm chí lo lắng và hoang mang do đọc nhiều thông tin chưa chắc chắn về di chứng hậu COVID-19, v.v…
Vì di chứng tâm lý có thể là biểu hiện do những phản ứng căng thẳng, lo lắng, chán nản… sau nhiễm bệnh COVID-19 hoặc có thể cũng là những triệu chứng của một dạng rối loạn tâm thần (rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, loạn thần,…) bị kích hoạt bởi nhiễm COVID-19 nên việc xác định nguyên nhân gây ra không hề đơn giản.
- Nguy cơ
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu cho thấy ai từng mắc COVID-19 cũng có thể bị hội chứng này. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu, nhận thấy có mối tương quan giữa tỉ lệ bị hội chứng này với yếu tố sau:
- Mức độ nghiêm trọng khi nhiễm bệnh COVID giai đoạn cấp: đặc biệt từng bị nặng phải nhập viện điều trị, từng vào khu Hồi sức tích cực (có thể liên quan sau này đến tình trạng yếu cơ, các vấn đề về thăng bằng, suy giảm nhận thức và rối loạn sức khỏe tâm thần)
- Tuổi càng cao: gần 50% bị hội chứng này nếu người bệnh sau 50 tuổi từng mắc COVID-19
- Mắc càng nhiều bệnh mạn tính
- Tỷ lệ bị ảnh hưởng
Có nghiên cứu báo cáo tỷ lệ rối loạn tâm thần hậu COVID-19 thường gặp là(3):
- Các vấn đề về giấc ngủ, tỷ lệ từ 17,7% đến 30,8%.
- Vấn đề về chức năng nhận thức, được báo cáo ở 17,1% đến 4,4% (đặc biệt ở những bệnh nhân từng nhập Hồi sức tích cực)
- Rối loạn lo âu, với tỷ lệ từ 6,5% đến 63%.
- Trầm cảm, từ 4% đến 31%, theo dõi sau hơn 1 tháng sau khi nhiễm COVID-19.
- Khoảng 25% – 41,3% bệnh nhân đồng mắc rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu sau khi ra viện.
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), từ 12,1% đến 46,9%.
- Hơn 50% bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng của rối loạn liên quan đến căng thẳng (lo lắng, trầm cảm và PTSD) hoặc suy giảm nhận thức thần kinh.
Ngoài ra, các dấu hiệu mệt mỏi, đau, lo âu và trầm cảm nhiều hơn cho thấy ở bệnh nhân nữ và những người đã nhập khoa Hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, cần lưu ý, với những người có tiền sử rối loạn tâm thần trước đó hoặc tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng sẽ dễ bị kích hoạt và biểu hiện các triệu chứng tâm lý-tâm thần sau khi nhiễm COVID-19. Đây là nguy cơ không nhỏ khiến bệnh nhân khởi phát rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn loạn thần cấp dẫn đến mức muốn tự sát.
- Đánh giá, tiên lượng và định hướng can thiệp – điều trị
Trên thế giới, có nhiều cách đánh giá vấn đề ảnh hưởng chức năng và chất lượng cuộc sống liên quan hậu COVID-19 như: EQ-5D-3L/ EQ-5D-5L/ EQ-5D-Y, Post-COVID-19 Functional Status (PCFS) scale để xác định không có hay có với mức độ suy giảm chức năng hậu COVID…
Hội chứng hậu COVID-19 cần được điều trị phối hợp nhiều chuyên ngành để giúp người bệnh phục hồi các chức năng về thể lý, tâm lý và thần kinh. Trước khi được hỗ trợ hoặc điều trị tâm lý, người bệnh cần được khám và can thiệp (nếu cần) để loại trừ những tổn thương thực thể còn tồn tại.
Song song hoặc sau đó, nhà tâm lý lâm sàng có thể giúp đánh giá những vấn đề về nhận thức, cảm xúc, hành vi, hỗ trợ người bệnh quản lý các triệu chứng kéo dài (thường gặp như đau, mệt mỏi kéo dài…). Tùy vấn đề tâm lý và mức độ nhận định qua đánh giá, người bệnh sẽ được tham vấn hoặc điều trị tâm lý đơn thuần hoặc khuyến nghị cần được khám – đánh giá thêm bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần để phối hợp điều trị thuốc.
Các phương pháp để can thiệp cho những vấn đề tâm lý hậu COVID-19 có thể là: Giáo dục tâm lý về hội chứng này cho người bệnh và thân nhân để hướng dẫn và đồng hành tiến trình tập trung vào rèn luyện lối sống tích cực, điều độ và lành mạnh để giảm sự bận tâm quá mức vào những cảm giác cơ thể chủ quan của họ nhằm giảm sự lo lắng, căng thẳng không cần thiết; ứng dụng liệu pháp nhận thức – hành vi nếu người bệnh có những vấn đề tiềm ẩn gây nguy cơ hoặc đến mức mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn liên quan stress, hậu sang chấn, v.v… như có những cách nhìn tiêu cực, sai lệch về bản thân, người xung quanh cũng như thiếu kỹ năng điều hòa cảm xúc, chọn lựa hành vi thích hợp; các tiếp cận dựa trên Liệu pháp định tâm (Chánh niệm – Mindfulness) cho thấy phù hợp để giải quyết những thách thức vào một giai đoạn không chắc chắn, thường thay đổi, mất mát và trải qua nhiều hình thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vì giúp mọi người chấp nhận sự không thoải mái, những khó khăn và những trải nghiệm đau thương cho phép họ đơn giản là chính mình, cảm nhận về mình mà không phán xét, sống trọn vẹn với hiện tại và từ đó mở ra cho chính mình những khả năng mới về kinh nghiệm sống.
Các nghiên cứu qua thời gian dài trên các nước cho thấy phần lớn ảnh hưởng của hậu COVID-19 sẽ khiến người bệnh có thể suy giảm nhiều hoạt động – chức năng độc lập của bản thân và khả năng làm việc. Từ đó, họ gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè, khó hoàn thành những trách nhiệm của bản thân trong gia đình và trong xã hội. Vì vậy, nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ hoặc điều trị kịp thời thì nguy cơ gia tăng các bệnh lý tâm thần cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghèo đói, bị phân biệt và tách rời xã hội.
- Phát hiện sớm và xử trí
Người bệnh và người xung quanh không quá đề cao cũng như xem nhẹ các biểu hiện tâm lý của hội chứng hậu COVID-19 vì đó có thể là một giai đoạn chúng ta chưa kịp thích ứng sau giai đoạn bệnh cơ thể nhưng cũng có thể kích hoạt những vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, nguy cơ dẫn đến mắc các rối loạn tâm thần. Khi nhận định bản thân hay người thân – quen có vấn đề tâm lý sau nhiễm COVID-19, ngoài việc tìm đến các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp thì người dân có thể gọi đến các tổng đài hỗ trợ tâm lý do các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đảm nhận. Đây là kênh mà người dân có thể tiếp cận và được hỗ trợ nhanh chóng nhanh chóng và kịp thời. Cụ thể, bệnh viện Tâm thần TP.HCM, tổng đài 1900 1267 được thành lập với nhân lực chính là đội ngũ y bác sĩ, nhà tâm lý của bệnh viện để hướng dẫn và tư vấn nhanh ban đầu những tình trạng khó khăn về tâm lý. Khi người dân có thể yên tâm, hiểu rõ hơn vấn đề của mình hay người thân thì họ cũng được tư vấn chọn lựa hướng xử trí-can thiệp phù hợp và kịp thời sau đó.
Xin giới thiệu quy trình hỗ trợ tâm lý qua Tổng đài điện thoại 1900 1267 của bệnh viện chúng tôi cùng những hỗ trợ kế tiếp sau cuộc gọi đầu tiên qua tổng đài:
Bên cạnh đó, người thân góp phần khá quan trọng đối với những người bệnh có vấn đề về tâm lý hậu COVID-19 này vì sống gần gũi và được tin tưởng. Do đó, khi có kiến thức và quan tâm đúng mức thì người dân sẽ có nhiều cơ hội phát hiện sớm những biểu hiện của người nhà và cũng dễ dàng chia sẻ thông tin cũng như khuyên nhủ họ sớm điều chỉnh hoặc cần đi khám để được đánh giá vấn đề và điều trị sớm nếu cần. Bên cạnh đó, cần lưu ý thái độ của người thân đối với người bệnh, tình thương và hiểu đúng cũng như cách xử trí đúng đắn sẽ giúp không kỳ thị, xa lánh. Ngoài ra, việc nâng đỡ và đồng hành với người bệnh của thân nhân còn giúp người bệnh từng bước vượt qua và hồi phục dần các chức năng tâm lý cũng như hòa nhập lại xã hội.
7. Tự chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với giai đoạn hậu COVID-19
Nếu không bị những biểu hiện về tâm lý sau nhiễm COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hoặc ngoài những can thiệp chuyên sâu, người bệnh gặp vấn đề này vẫn cần thực hiện những hoạt động tự chăm sóc được xem là rất cần thiết trong việc góp phần hồi phục sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội như:
- Cố gắng duy trì chu kỳ giấc ngủ điều độ (hạn chế xáo trộn thời gian và thời lượng giấc ngủ) và ăn uống lành mạnh, đủ bữa (ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi, chán ăn)
- Cố gắng duy trì những hoạt động từng vui thích trước đó (hát, vẽ, môn thể thao…) dù hiện tại thấy giảm hoặc không còn hứng thú
- Có hoạt động thể lực thường xuyên, tối thiểu 5 ngày/tuần với cường độ tùy khả năng của mình.
- Có hoạt động xã hội thường xuyên hơn, có thể họp mặt gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng
- Tiếp tục được hỗ trợ, điều trị các vấn đề bệnh cơ thể khác nếu có
Tập trung vào các thông tin hữu ích về cách thức rèn luyện nâng cao sức khỏe thể lý và tâm lý hàng ngày
Tài liệu tham khảo:
- National guidance for post-COVID syndrome assessment clinics. NHS, Publications approval reference: C1248, Version 2, 26 April 2021
- Psychological Intervention and COVID‑19: What We Know So Far and What We Can Do. Felix Inchausti, Angus MacBeth, Ilanit Hasson‑Ohayon, Giancarlo Dimaggio, Published online: 27 May 2020 © Springer Science+Business Media, LLC, part of Springer Nature 2020.
- Physical and mental health complications post-COVID-19: Scoping review. Sanaz Shanbehzadeh, Mahnaz Tavahomi,Nasibeh Zanjari, Ismail Ebrahimi-Takamjani, Somayeh Amiri-arimi, Rehabilitation Research Center, Iran University of Medical Sciences, Tehran, Iran-Rehabilitation Research Center, Department of Physiotherapy, School of Rehabilitation Sciences, Iran University of Medical Sciences, Tehran, Iran, Iranian Research Center on Aging, University of Social Welfare and Rehabilitation Sciences, Tehran, Iran-Department of Physiotherapy, University of Social Welfare and Rehabilitation Sciences, Tehran, Iran
- The Post-COVID-19 Functional Status scale: a tool to measure functional status over time after COVID-19. Eur Respir J 2020; 56: 2001494 [https://doi.org/ 10.1183/13993003.01494-2020].
- Coping With COVID-19: Mindfulness-Based Approaches for Mitigating Mental Health Crisis. Antonova Elena, Schlosser Karoly, Pandey Rakesh, Kumari Veena. Frontiers in Psychiatry, Volume 12, 2021. https://www.frontiersin.org/article/10.3389/fpsyt.2021.563417. [doi.10.3389/fpsyt.2021.563417]. ISSN=1664-0640