CÁC PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN CỦA TÂM LÝ LIỆU PHÁP

19278

ĐẠI CƯƠNG:

Có nhiều loại tâm lý liệu pháp thay đổi tuỳ thuộc cá nhân, tính cách, học vấn và tín ngưỡng của nhà trị liệu. Trong một vài trường hợp, sự khác biệt chỉ là do phương pháp sử dụng. Trong những trường hợp khác là do sự khác biệt về lý thuyết nhân cách. Như có nhà trị liệu chủ trương phải hoàn toàn hướng dẫn người bệnh, còn người khác lại đặt trách nhiệm vào bệnh nhân.

Tuy vậy, hầu hết mọi phương pháp đều hướng về mục đích cuối cùng là giúp đỡ cá nhân thích ứng vào các vấn đề của mình một cách thỏa mãn hơn. Do đó các phương pháp đều có nhiều đặc  điểm chung.

Phần nhiều các loại tâm lý liệu pháp sử dụng theo mức độ khác biệt nguyên tắc “thải trừ” (catharsis) hay loại bỏ căng thẳng cảm xúc bằng cách nói ra hay biểu diễn các thất vọng của mình. Sự thải trừ thường tiến hành chậm vì đa số các  vấn đề gây lo âu, sầu muộn thường gồm các ý tưởng hay kinh nghiệm đau thương về mặt tâm lý. Những buổi trị liệu ban đầu thường ít hiệu quả. Người bệnh thường chỉ nói các khía cạnh nông cạn vấn đề của họ khi mới bắt đầu. Sau đấy ít lâu, họ mới chịu đi sâu vào vấn đề và đề cập đến các cảm xúc mà họ đã giấu kín ngay cả đối với họ, cũng như với kẻ khác

PHÂN LOẠI:
Một cách tổng quát, có thể phân loại các phương pháp trị liệu tâm lý thành bốn nhóm

Hướng dẫn chỉ huy (directive counseling).
Hướng dẫn chỉ huy là loại tâm lý liệu pháp giản dị và hạn chế nhất. Nhà trị liệu trực tiếp giải đáp các vấn đề gây lo âu cho người bệnh. Phương pháp này có giá trị khi cần giải quyết nhanh chóng những vấn đề tâm lý tương đối ít quan trọng. Phương pháp này thường được các thầy cô, mục sư, bác sĩ, nhân viên xã hội, cha mẹ và bạn hữu có liên hệ và có uy tín đối với người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế khi cần đi xa hơn sự hướng dẫn và khuyến khích.

Phương pháp tập trung vào bệnh nhân (client centered therapy)
Một kỹ thuật hoàn toàn không chỉ huy là phương pháp trị liệu tập trung vào bệnh nhân, đã được Carl Rogers phát triển. Phương pháp này căn cứ vào tiên đề là một cá nhân, nếu muốn thực sự giải quyết các vấn đề của mình khi có đủ can đảm nhận xét vấn đề một cách thực tế. Nhờ vậy họ có thể nói ra theo ý muốn những phiền muộn. Nhà trị liệu không khen cũng không chê, chỉ chấp nhận cái gì mà người bệnh đã nói và giúp người bệnh hiểu rõ những phản ứng của mình.

Phép trị liệu không chỉ huy cho rằng khi nói ra được, người bệnh sẽ nhận thấy mối liên quan giữa cảm xúc và hành vi, thái độ của mình. Trị liệu được xem như là một quá trình tăng triển mà người bệnh sử dụng ý chí của mình để hoàn chỉnh một mức độ trưởng thành hơn về sự thích ứng cảm xúc. Ngay từ ban đầu, người bệnh chịu trách nhiệm về hành vi và quyết định của họ, cũng như về phương pháp trị liệu. Nhà trị liệu chỉ phản ánh cảm xúc của người bệnh đã được biểu hiện. Tuy vậy, thái độ niềm nở và ân cần của người thầy thuốc có nhiều ý nghĩa vì làm cho người bệnh tự tin và đủ sức giải đáp vấn đề khó khăn của họ. Trong khi trị liệu, người bệnh tiến triển nhiều nhờ tìm cách tự hiểu mình thêm và tự chấp nhận để thích nghi vào đời sống một cách thoải mái hơn. Sự tiến triển ấy không xãy ra tức thì mà sẽ có những giai đoạn hối hận, thậm chí thoái lui. Nhưng nói chung, chắc chắn có tiến triển với thời gian. Nhà trị liệu không được gò ép vấn đề, đưa ra những ý kiến mới hoặc khuyên bảo mà chỉ cố gắng làm cho người bệnh hiểu rõ thái độ và cảm xúc của mình hơn

Phân tâm liệu pháp (psychoanalytic therapy).
Là một kỹ thuật nhiều công phu và lâu dài để thăm dò động nhân vô thức của người bệnh, và đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc buổi đầu của các xung đột và kềm chế (repression). Mục tiêu là đem vào ý thức (conciousness) những ký ức hay xung đột bị kiềm chế và giúp đỡ cá nhân giải quyết các vấn đề ấy trong khung cảnh thực tế. Người ta cho là một cuộc tiến hành như vậy sẽ đem lại một sự cải tiến sâu rộng và căn bản cơ cấu cá tính.

Nhà phân tâm học sử dụng nhiều kỹ thuật để đem các xung đột bị kiềm chế vào ý thức và giúp người bệnh giải quyết các vấn đề khó khăn. Đấy là kỹ thuật:
–    Liên tưởng tự do (free association).
–    Phân tích mộng (dream analysis).
–    Phân tích chống đối (analysis of resistance).
–    Phân tích chuyển di (analysis of transference).

Liên tưởng tự do:
Đây là đường lối chính trong phân tâm học để thăm dò vô thức và thả lỏng các vật liệu bị dồn ép. Người bệnh ngồi một cách thoải mái trên ghế, hay nằm nghỉ ngơi trên một trường kỹ, để tinh thần tự do suy tưởng, và kể lại những ý nghĩ, ước vọng, cảm xúc thể chất và hình ảnh tinh thần của mình dù có đau khổ, thuộc về đời tư, hay có vẽ ít  quan trọng. Nhà phân tâm học thường đứng phía sau bệnh nhân, và cố tránh ngắt quãng nguồn tư tưởng liên hợp của họ.

Tuy đường lối “nói ra” này thải trừ nhiều, nhưng phân tâm học, trên nguyên tắc, không phải là một kỹ thuật tập trung vào bệnh nhân. Trái lại, người ta nhấn mạnh vào quyền lực của nhà trị liệu để giải thích cho người bệnh ý nghĩa tư tưởng, ước vọng và thái độ của họ, được biểu diễn trong “liên tưởng tự do”. Nhờ dòng ý thức đi sâu dần vào vô thức, những xung động bị kềm chế được khám phá xuất hiện dưới hình thức biểu tượng cải dạng. Nhà phân tâm sử dụng kinh nghiệm của mình để vất bỏ các sự giả trá và cắt nghĩa ý nghĩa chân thực của các điều phát lộ.

Phân tích mộng (dream analysis).
Kỹ thuật này giúp nhà phân tâm đi sâu thêm vào nguyên nhân vô thức của bệnh nhân.
Khi một cá nhân ngủ, bản ngã của họ ít chống đối các xung động không thể chấp nhận được bắt nguồn từ “id”. Nhờ vậy có một động cơ thúc đẩy, mà ta không biểu diễn được khi tỉnh, có thể xuất hiện được trong mộng. Có những động cơ thúc đẩy không được bản ngã ý thức chấp nhận đến mức độ không thể biểu diễn một cách lộ liễu trong mộng, mà phải cải trang dưới một hình thức biểu tượng. Vì vậy, một giấc mộng có hai phần hay nội dung.
–    Nội dung phát biểu (manifest) là phần mà ta nhớ và kể lại được khi tỉnh dậy.
–    Dưới phần phát biểu này là phần tiềm ẩn (latent) là những động nhân thực không được ta chấp nhận đến mức độ mà ta không nhận định là có. Một nhà phân tâm có kinh nghiệm thường khám phá được các động nhân giả trang ấy bằng cách khảo sát các biểu tượng xuất hiện trong nội dung phát biểu của mộng và tìm ra ý nghĩa đặc biệt của chúng đối với người đã mộng.
Cuộc tiến hành vô thức biến cải nội dung tiềm ẩn đau thương của mộng thành nội dung phát biểu ít đau thương hơn được gọi là động tác mộng (dream work). Động tác mộng vặn cong nội dung của mộng bằng nhiều cách làm nội dung được biểu hiện không hiển nhiên đối với kẻ mộng.
Chẳng hạn, một người đàn bà có ác cảm với chồng có thể mộng thấy giết chết một con chuột (người đàn bà đó thường gọi chồng mình là chuột nhắt).
Liên tưởng tự do bắt đầu từ nội dung phát biểu của mộng sẽ cho nhà phân tâm dấu hiệu về nội dung tiềm ẩn và giúp giải thích ý nghĩa thực cho người bệnh.

Phân tích chống đối (analysis of resistances)
Trong khi tiến hành liên tưởng tự do, người bệnh có thể chống đối, nghĩa là thiếu khả năng hay không muốn thảo luận một vài ý nghĩa về ham muốn hay kinh nghiệm của mình. Sự chống đối này ngăn cản các vật liệu bị dồn ép trở lại ý thức và thường làm cho đau khổ khi nhớ lại. Chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến đời sống tình dục cá nhân hay các ác cảm đối với cha mẹ. Đôi khi sự chống đối biểu hiện bằng cách bệnh nhân đến trể hay quên không đến chổ hẹn.
Các nhà phân tâm học phái Freud đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề mà người bệnh không muốn thảo luận, vì cho đấy là các vấn đề có liên quan chặt chẽ đến các kinh nghiệm bị dồn ép, là nguồn gốc của các rối loạn hiện tại. Mục đích của nhà phân tâm là bẽ gãy sự chống đối và làm cho người bệnh phải nhìn nhận các ý tưởng đau đớn ấy hoặc các ham muốn và kinh nghiệm đã có, làm giảm sự chống đối là một công việc lâu dài và khó khăn nhưng được xem như khẩn yếu để đem toàn thể vấn đề vào ý thức nơi mà ta giải quyết.

Phân tích chuyển di (analysis of transference).

Trong khi điều trị bằng phân tâm học, người bệnh thường có phản ứng cảm xúc đối với nhà trị liệu, đồng hóa họ với một cá nhân nào đó đã là trung tâm của một cuộc xung đột cảm xúc trong dĩ vãng. Giai đoạn trị liệu này được gọi là sự chuyển di (transference). Đa số trường hợp, kẻ phân tích được đồng hóa với một người trong gia đình hay kẻ thương yêu.
Sự chuyển di ấy sẽ “dương” khi các cảm xúc đối với nhà trị liệu là lòng thương hay thán phục.
Và “âm” khi có ác cảm hay ganh tỵ.
Thái độ của người bệnh thường hay hai chiều (ambivalent), nghĩa là các cảm xúc có tính dương, vừa âm đối với nhà trị liệu, như thái độ của trẻ với cha mẹ.
Sự chuyển di cảm xúc là phần  khẩn yếu của công cuộc điều trị, và cũng là giai đoạn nguy hiểm mà nhà điều trị phải giúp bệnh nhân giải thích các cảm xúc chuyển di và hiểu các nguồn gốc của chúng trong kinh nghiệm và thái độ buổi đầu.

Phê bình phép trị liệu phân tâm học
Ta biết các nhà tân phân tâm học khác Freud về thuyết nhân cách, đặc biệt ở chổ nhấn mạnh vào hoàn cảnh hiện tại nhiều hơn là vào kinh nghiệm tuổi trẻ. Người ta cũng thấy có sự khác biệt này về phương pháp trị liệu của phái tân phân tâm học, khi mục đích là tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại của người bệnh cũng như các kinh nghiệm đã qua.

Ngoài ra, các nhà tân phân tâm học cũng tin rằng không thể chữa khỏi bệnh nếu chỉ giúp người bệnh hiểu các cảm xúc vô thức của họ, mà còn phải chỉ huy họ trong đường lối cải biến bản thân và kiểu cách thích nghi không đầy đủ.

Đứng về mặt thực hiện, phân tâm học cũng bị chỉ trích vì đòi hỏi người bệnh quá nhiều thời gian và tiền bạc.
Mục tiêu của phân tâm học là làm sao cho cơ cấu nhân cách người bệnh thay đổi một cách sâu đậm và vĩnh viển, và muốn đạt mục đích, thường bệnh nhân phải mất từ 2 đến 3 năm điều trị với nhà phân tâm. Thời gian này không lâu khi ta nhận xét thấy các vấn đề nan giải của người bệnh đã kéo dài gần suốt một đời người.

Tuy vậy, ngay khi cá nhân có đủ thời gian và tiền bạc để theo cuộc điều trị, kết quả không phải lúc nào cũng thỏa mãn. Vì phân tâm học nhấn mạnh vào ý thức và sự hiểu biết của bệnh nhân, nên thích hợp nhất với một cá nhân thông minh trên trung bình và không mắc bệnh tâm thần trầm trọng.

Phép trị liệu thái độ hành vi (behavior therapy).
Phân tâm học và các hình thức tâm lý liệu pháp khác mà mục đích nhấn mạnh vào sự minh mẫn, thấu hiểu của bệnh nhân đối với cảm xúc và động cơ hoạt động của họ. Ngay phép trị liệu không chỉ huy cũng tập trung vào cảm xúc và các nguyện vọng của người bệnh để giúp họ hiểu rõ hơn. Những loại trị liệu này được xếp chung vào loại trị liệu giúp đối tượng hiểu rõ bản chất hoạt động tâm lý của mình (insight therapies).
Trái lại, loại phép trị liệu thái độ hành vi mà ngày càng được ủng hộ, điều trị trực tiếp các hành vi cử chỉ rối loạn.
Sự khác biệt giữa hai đường lối rõ rệt nhất trong cách đối diện với triệu chứng bệnh.
Nhà trị liệu “phân tâm” thường chú ý đến vấn đề cơ bản của quá trình hoạt động tâm lý, hình thành nhân cách người bệnh.
Nhà trị liệu “thái độ, hành vi”, trái lại, tìm cách loại bỏ triệu chứng để người bệnh hết rối loạn dù họ  có hiểu hay không điều gì đã xãy ra..
Nhà trị liệu “phân tâm” tìm cách uốn nắn lại đời sống người bệnh bằng cách sử dụng sự  hướng dẫn và khuyên nhủ.
Nhà trị liệu “thái độ, hành vi” chỉ để ý đến thái độ, cử chỉ mà thôi không quan tâm đến bản ngã hay nhân cách. Họ sử dụng lí luận, khuyến dụ hay thưởng phạt để tìm triệu chứng, và thường kiểm soát chặt chẽ cuộc điều trị nhiều hơn nhà trị liệu hướng nội.
Thường nhóm này bao gồm các tâm lý liệu pháp đặt cơ sở trên thuyết học (learning theory). Đa số sử dụng phòng thí nghiệm để khảo sát các điều kiện hóa các súc vật và các cuộc thực nghiệm gây bệnh suy nhược thần kinh đối với chuột, mèo, khỉ. Mấy năm gần đây, các kỹ thuật điều kiện hóa (conditioning) được gia tăng sử dụng để điều trị con người. Nên còn được gọi là tâm lý liệu pháp thực nghiệm (experimental psychotherapy). Một số kỹ thuật cơ bản thường được phái này sử dụng:
Kỹ thuật ức chế hổ tương (reciprocal inhibition) của phép trị liệu thái độ hành vi được sử dụng nhiều bởi Joseph Wolpe (1958) và những tác giả khác. Nhận thấy cử chỉ rối loạn của các súc vật sẽ biến đi khi các kích thích gây lo âu được kèm theo với các kích thích khoái ý như thức ăn. Để điều trị bệnh nhân, Wolpe sử dụng các phản ứng nghỉ ngơi như là khích động thích thú. Nhờ khảo sát tiểu sử cá nhân của người bệnh và phỏng vấn, ông lập một bảng các kích thích gây lo âu đối với người bệnh. Khi phải sử dụng các phản ứng nghỉ ngơi (relaxation responses), người bệnh được thôi miên và khuyến dụ nghỉ ngơi. Rồi người bệnh phải tưởng tượng  một hoàn cảnh trong đó có một kích thích gây lo âu yếu nhất. Nếu sự nghỉ ngơi không biến tính, bệnh nhân phải tưởng tượng ra một kích thích gây lo âu mãnh liệt hơn, và cứ như thế cho đến khi, sau nhiều buổi điều trị, người bệnh vẫn nghỉ ngơi tuy suy nghĩ  đến nguyên nhân gây lo âu mạnh nhất. Kỹ thuật đặc biệt này  được gọi là sự làm mất cảm thụ có hệ thống (systematic desensitization).
Wolpe tin rằng nguyên tắc ức chế hổ tương đã đem đến nhiều thành công khi so sánh với các loại trị liệu khác. Các phản ứng dương trong mối liên hệ giữa người bệnh và nhà trị liệu kết hợp với các phản ứng lo âu của người bệnh để rồi ức chế lại các phản ứng đó.
Phép trị liệu tràn ngập (flooding therapy): một phương pháp huấn luyện dập tắt đi ngược với phương pháp của Wolpe tuy cũng được căn cứ trên lý thuyết học (learning theory) và tập trung vào sự lo âu (London, 1964). Trong phép trị liệu này, người bệnh tưởng tượng những hoàn cảnh thật kinh khủng và khi sự lo âu được dập tắt đối với những hoàn cảnh ấy, hiệu quả sẽ lan rộng ra đối với những hoàn cảnh ít kinh khủng hơn.
Một hình thức thứ ba của phép trị liệu thái độ hành vi sử dụng các kỹ thuật tác động điều kiện hóa (operant conditioning technic) để ức chế hay dập tắt các hành vi cử chỉ không tốt đẹp và phát triển những hành vi thái độ mới, ngoạn mục hơn. Nhà trị liệu sử dụng những phương pháp này, phải kiểm soát hoàn cảnh của bệnh nhân theo cách nào để những thái độ mong muốn được đền bù và những thái độ ít tốt đẹp hơn được dập tắt (thường bằng cách không được chú ý đến, hơn là bị trừng phạt). Người ta sử dụng các đền bù cụ thể dưới hình thức thức ăn, hay các phiếu mua hàng hoá, thấy có hiệu quả tốt đẹp trong công việc điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt nội trú.
Cùng một lúc, người ta sử dụng các đền bù xã hội như lời khen, hoặc sự tán thành, và dần dần thấy có hiệu quả hơn đền bù thể chất (được ngưng hẳn sau một thời gian). Vấn đề cuối, có tính xã hội, gồm có sự liên quan giữa các cá nhân, và được giải quyết dưới hình thức một kịch tâm lý. Sự đền bù duy nhất trong trường hợp này chỉ là lời khen của lãnh đạo của nhóm.
Để trị những cơn nổi giận dữ dội, nhà tâm lý cần phải áp dụng phương pháp dập tắt. Nhận thấy những cơn nổi giận được tăng cường khi có sự hiện diện lo âu của người mẹ hay người khác, nên mỗi khi đứa trẻ nổi nóng, người ta đem trẻ vào phòng và khép cửa lại cho đến khi cơn giận tan. Ngay từ ban đầu, sự giận ít hơn và 5 tháng sau hết hẳn (Wolpe Rilley, 1964).
Loại kỹ thuật này được sử dụng trong các bệnh viện tâm thần, các phòng điều trị tâm lý. Ở những  nơi này, người ta có thể kiểm soát hoàn toàn hoàn cảnh và môi trường trị liệu.

MỘT SỐ KỸ THUẬT KHÁC TRONG TRỊ LIỆU TÂM LÝ:
Có nhiều kỹ thuật riêng biệt mà nhà tâm lý, nhà phân tâm học có thể sử dụng theo nhiều cách.

Tâm lý kịch (psychodrama).
Kỹ thuật tâm lý kịch giúp người bệnh biểu diễn trực tiếp sự rối loạn cảm xúc của mình khi được khuyến khích hoạt diễn các hoàn cảnh đời sống liên hệ đến các khó khăn của mình. Không khí của tâm lý kịch giúp cá nhân đối phó với các vấn đề của mình với một cảm xúc ít căng thẳng hơn là trong cuộc sống thực thụ (Jacob Moreno, 1946)

Khi bắt đầu, nhà trị liệu giúp người bệnh phác họa hoàn cảnh chung cần biểu diễn. Các phụ tá được huấn luyện để đóng các vai có nhiệm vụ trợ giúp cho người bệnh. Khi diễn kịch, người bệnh đóng vai trò mình một cách tự nhiên với sự giúp đỡ của các vai phụ giúp họ sống trong một hoàn cảnh giống như thực tế. Khi biểu diễn các rối loạn cảm xúc trong tâm kịch, người bệnh có dịp để “thải trừ”. Họ tự nói ra các sự lo âu và các ước vọng ham muốn bị kềm chế trong một bầu không khí giả tạo đời sống thực thụ, không có những đe dọa nguy hiểm về thể chất và tâm lý của đời sống thật. Trong bầu không khí an toàn ấy, người bệnh có thể hiểu nhiều hơn vấn đề cảm xúc của mình và có dịp gia tăng thích nghi trong hoàn cảnh đời sống thực sự.

3.2.    Trị liệu nhóm (group therapy).
Những năm gần đây vai trò của trị liệu nhóm càng lúc càng được sử dụng như những trị liệu tâm lý đối với cá nhân. Trị liệu nhóm thường được áp dụng không chỉ huy, tuy nhiên tùy theo trường phái các nhà trị liệu thường chỉ huy và hướng dẫn cuộc thảo luận của nhóm theo mức độ khác nhau.

Người ta nhận thấy hoàn cảnh nhóm thường có hiệu quả đáng kể với phần tử của nhóm, chẳng hạn như sự cải biến sâu đậm nhân cách hay xây dựng một hệ thống giá trị phong phú hơn.

Có các kỹ thuật khác biệt kể từ các nhóm chơi đối với trẻ chưa đi học đến các nhóm phân tích đối với thanh thiếu niên và tráng niên. Trong ấy người ta nhấn mạnh vào phỏng vấn và thảo luận.

Trẻ từ 5 đến 13 tuổi có thể được đặt vào trong một nhóm hoạt động hội họp mỗi tuần một lần để tự biểu biễn qua nghệ thuật và mỹ nghệ, hay phá sơn màu và các dụng cụ. Người ta cho trẻ biểu diễn sự công kích của chúng mà không bị nhà trị liệu phê phán hay kìm hãm vì hết thảy mọi trẻ đều được thương yêu. Khi nhận được giá trị của mình, trẻ bớt sợ hãi và ít xung đột, nhờ vậy những thái độ đáng mến chuộng sẽ phát hiện dần.
Phép trị liệu nhóm cho thấy có hiệu quả trong vài trường hợp tâm thần phân liệt. Trong một cuộc khảo sát, người ta thấy các nữ bệnh nhân bị tâm thần phân liệt giãm bệnh nhiều khi được điều trị bằng thuốc và phương pháp nhóm hơn là chỉ sử dụng thuốc mà thôi.

Hiện nay, tâm lý liệu pháp nhóm ngày càng được sử dụng nhiều và theo nhiều cách. Toàn thể gia đình hay các vai chánh trong một cuộc xung đột có thể dự các buổi điều trị. Người ta cũng sử dụng nhóm các nhà trị liệu bao gồm bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý, trợ lý xã hội trong việc điều trị nhóm.

Có một vài cáe3 không thâu lượm được nhiều ích lợi với phương pháp nhóm. Thông thường các nhà tâm lý nhận thấy một cá nhân gặt hái được kết quả với phương pháp điều trị nhóm khi có ba tính chất sau:
Dễ thỏa thuận, giao hảo với kẽ khác về phương diện cảm xúc.
Có khả năng biểu diễn hơn là dồn nén sự phẩn nộ.
Sự chấp nhận quyền lực một cách mềm dẽo.
Một loại phương pháp nhóm thường được sử dụng tại các trung tâm hướng dẫn trẻ em. Những bà mẹ quan sát nhà trị liệu phỏng vấn một người mẹ đang gặp khó khăn về con cái người ấy. Sau đó đứa bé này trở về phòng giải trí, tại nơi này, người ta sẽ quan sát thái độ, cử chỉ của đứa trẻ này để rồi tường thuật lại. Người mẹ sẽ trở lại thảo luận về hoàn cảnh với nhà trị liệu. Cách thức này sẽ  được tiếp tục cho đến khi giải quyết được vấn đề khó khăn.

3.3.    Trò chơi liệu pháp (play therapy).
Trò chơi liệu pháp có tính cách cá nhân hay nhóm, hướng về mục đích buông thả cảm xúc bị kềm chế bằng cách sử dụng các kỹ thuật chơi khác biệt. Người ta thường sử dụng phép trị liệu này để điều trị các trường hợp thái độ cử chỉ khó thích nghi của trẻ.

Trong một buổi trị liệu, đứa trẻ thường có thể tự biểu diễn một cách tự nhiên, với rất ít sự hướng dẫn của nhà trị liệu. Có lẽ đấy là lần đầu tiên đứa trẻ có dịp biểu diễn hoàn toàn cảm xúc của mình mà không sợ bị khiển trách hay hắt hủi.

Một hình thức trò chơi liệu pháp phổ thông là trò chơi hình nhân (doll play). Trong ấy, đứa trẻ nhận được một nhà búp bê trang trí đầy đủ và một gia đình búp bê. Đứa bé được khuyến khích chơi với búp bê theo ý muốn của mình. Nói chung, các hoàn cảnh tạo thành bởi đứa trẻ được căn cứ vào kinh nghiệm gia đình của bé. Nhưng khác với đời sống thực sự, đứa trẻ có thể kiểm soát được hoàn cảnh gia đình trong trò chơi, và nhờ vậy, có thể thay đổi hành vi các nhân vật để thỏa mãn nguyện vọng của mình.

Như vậy, đứa trẻ có thể trừng phạt hay hủy hoại thân thể búp bê mà nó đồng hóa với một bên cha mẹ hay anh em mà nó có ác cảm. Nó cũng có thể tưởng tượng là được  mẹ ôm ấp thương yêu trong tay. Phương pháp này cho trẻ có dịp hoạt diễn ra ngoài các vấn đề khó khăn cảm xúc mà không sợ có những hậu quả không hay.

Nhà tâm lý bệnh nghiệm có thể sử dụng trò chơi búp bê để huấn dụ trẻ thay đổi thái độ của mình trong khi chơi. Nghĩa là các vấn đề khó khăn của trẻ được xem như là của búp bê và nó phải cải biến thái độ của búp bê để giải quyết vấn đề. Kỹ thuật này trị các triệu chứng chứ không giúp đứa trẻ một cách trực tiếp giải quyết cảm xúc của nó.

Trò chơi liệu pháp cũng có thể được sử dụng đối với tráng niên. Các hoạt động như vẽ, chạm trổ có thể giúp người bệnh buông thả các cảm xúc âm đối với đời sống và thay thế bằng những cảm xúc dương tính của sự thành công.

3.4.    Thôi miên (hypnosis)
Không có gì thần bí về thôi miên. Đấy chỉ là một trạng thái rất dễ bị ám thị mà nhà thực nghiệm đã gây được với sự tình nguyện hợp tác của một cá nhân.
Trong thôi miên, chủ thể tập trung tư tưởng vào những hoàn cảnh thật sự hay tưởng tượng do nhà thôi miên trình bày.

Các phương pháp thôi miên thường có các nguyên tắc tương tự nhau. Nhà thôi miên nói một giọng đều đều để gây nghỉ ngơi, và có thể bắt đầu bảo chủ thể làm một việc gì đó giản dị như nằm xuống. Rồi nói cho chủ thể một sự việc đúng hiển nhiên, chẳng hạn như hiện tại phòng trị liệu thực sự yên lặng và ánh đèn không sáng. Khi được lòng tin của chủ thể, người ta lại nói một sự thật chỉ đúng phần nào và bảo họ hành động khác thường ngày chút ít. Chẳng hạn như bảo chủ thể là đau mắt, mí mắt cảm thấy nặng.

Khi đi sâu vào trạng thái ám thị mạnh hơn, người ta có thể làm cho chủ thể tin và làm những việc mà họ không thể tưởng tượng có thể có được ngày thường.

Một người bị thôi miên không thể làm được những việc không thể làm được về thể chất (như bay trong không khí hay nhấc vật nặng 500kg), tuy có thể làm cho người ấy tin là họ làm được. Nhà thôi miên có thể gây ra hay loại bỏ theo ý muốn nhiều triệu chứng bệnh thần kinh hay các điều kiện liên hệ. Có thể làm cho chủ thể mù hay điếc tạm thời, hay nhìn và nghe thấy các vật hiện không có ở đấy. Họ cũng có thể có những hành vi chống đối xã hội hay nguy hiểm nếu nhà thôi miên có thể làm cho họ tin hành vi ấy bình thường và thích hợp (Barber, 1957). Thí dụ họ có thể đánh cắp ví của một người nếu nhà thôi miên xếp đặt hoàn cảnh để họ tin là ví ấy của họ.

Cảm thụ thôi miên có thể ảnh hưởng lâu dài sau buổi thôi miên, khoảng vài ngày hay lâu hơn. Có thể dùng thôi miên để tạm loại bỏ các đau đớn hay hay triệu chứng do sự rối loạn cơ thể hay tâm lý. Tuy vậy, loại điều trị này có thể gây nguy hiểm nếu được xem như là phương pháp điều trị  trực tiếp vì không chữa đến căn bệnh.
Cũng có thể dùng thôi miên để gây thoái hóa (hypnotic regression). Người ta nói cho chủ thể biết là họ đang ở giai đoạn trẻ hơn và yêu cầu họ kể lại họ đang làm gì, có những cảm tưởng gì và hoài bảo ra sao. Dưới sức thôi miên, một cá nhân có thể nhớ lại rõ ràng và sống lại các kinh nghiệm mà họ đã quên hay dồn ép từ lâu.
Có nhiều cuộc khảo sát về thoái hóa thôi miên (hypnotic regression)  cho thấy khi một cá nhân sống lại tuổi trẻ hơn và phải viết tên, họ sẽ viết như khi còn trong tuổi ấy. Kinh nghiệm cho thấy các ký ức nhớ lại do thôi miên giúp nhà trị liệu hiểu thấu vấn đề khó khăn của bệnh nhân. Khi họ tỉnh lại, nhà trị liệu sẽ dựa vào các điểm ấy để hướng dẫn.

Kỹ thuật thôi miên được chấp nhận trong tâm lý liệu pháp. Tuy vậy, một vài nhà tâm lý cho là nguy hiểm khi người bệnh chỉ có thể loại bỏ dưới sức thôi miên, các triệu chứng nông cạn mà không động đến vấn đề căn bản. Các cuộc khảo sát mai sau sẽ giải quyết vấn đề này.

3.5.    Phân tích trạng thái nửa tỉnh nửa mê (narcoanalysis)
Người ta cho một liều thuốc sodium amytal (barbiturate tác dụng nhanh và ngắn)đủ gây một tình trạng nửa tỉnh nửa mê, chứ không hẳn là vô thức. Người bệnh ở vào một tình trạng “hoàng hôn”. Thường phương pháp này dùng để thay thôi miên (hypnosis) vì mau lẹ hơn và dễ dàng hơn.

Trong trạng thái này, người bệnh được khuyến khích nói thẳng ra hay hoạt diễn các kinh nghiệm đau thương của mình. Thường những chuyện nói ra pha trộn sự kiện và tưởng tượng, như mộng, vì vậy cần sự giải thích của nhà trị liệu. Cũng vì lý do ấy nên chất sodium amytal và sodium pentothal thường được quảng cáo là “huyết thanh của sự thật”. Không có giá trị pháp lý mà chỉ là một phương tiện thăm dò.

Phương pháp phân tích trạng thái nửa tỉnh nửa mê, đặc biệt hiệu nghiệm để điều trị nhanh chóng các sự căng thẳng cảm xúc ngay khi các triệu chứng xuất hiện và phát triển

KẾT LUẬN:
Liệu pháp tâm lý không thể thiếu được khi điều trị nguời bệnh tâm thần. Việc phối hợp giữa thuốc men và liệu pháp tâm lý giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tâm thần, giúp người bệnh mau phục hồi và tái hoà nhập xã hội. Tuỳ theo khả năng và điều kiện của các cơ sở chuyên khoa tâm thần, sự áp dụng liệu pháp tâm lý từ đơn giản đến phức tạp nên được áp dụng để bảo đảm chất lượng sống của người bệnh tâm thần. Ngoài ra cũng nên để ý đến cảnh quan, môi trường cơ sở điều trị giúp người bệnh cảm thấy an toàn và ổn định về mặt tâm lý.

THAM KHẢO:
1.    Charrier.J.P: L’inconscient et psychanalyse.
2.    Jean-Louis Senon- Daniel Sechter- Denis Richard: Thérapeutiques psychologiques – Thérapeutique psychiatrique-Hermann Editeurs des sciences des arts- 1995/p515-611
3.    Kaplan – Sadock: Psychotherapies – Synopsis of psychiatry – 9th E – Lippincott Williams & Wilkins/ p923-960
4.    Trần Đình Xiêm: Các liệu pháp tâm lý – Tâm thần học – 1997/p641-650) 

ThS. BS Đào Trần Thái, BS CKII Chủ nhiệm bộ môm tâm thần trường Đại học y dược, Trưởng khoa nam