July 10, 2009. Người sống độc thân có nguy cơ cao 2 lần mắc bệnh Alzheimer khi về già so với người có vợ chồng hoặc có người sống chung ( như vợ chồng). Các nhà nghiên cứu nói đây là sự kết hợp quan trọng và độc lập giữa tình trạng sống có vợ có chồng và họat động nhận thức.
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng ở góa hoặc ly dị ở tuổi trung niên gia tăng nguy cơ này nhiều hơn tới 3 lần trong chỉ số suy giảm nhận thức. Tiến sĩ Miia Kivipelto, Viện Karolinska, Stockholm Thụy Điển gợi ý rằng cuộc sống có quan hệ với người khác giới có thể dẫn tới họat động nhận thức và kích thích xã hội và điều đó có tác dụng bảo vệ chống lại suy giảm nhận thức. “Nhận định này phù hợp với giả thuyết bảo tồn họat động của não bộ”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cathedrine Helmer, Đại học Victor Segalen Bordeaux (Pháp) thì vấn đề là tình trạng hôn nhân gia đình bảo vệ chống lại sa sút tâm thần hay là hậu quả sa sút có thể do tác động của các lần sang chấn như mất người thương yêu,…
Tình trạng hôn nhân gia đình hình như chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ góp phần nhỏ khiêm tốn vào tiến triển sa sút tâm thần. Tiến sĩ Helmer lý luận: “Thay đổi tình trạng hôn nhân là lý do suy giảm nhận thức khi về già khá hiếm hoi nhưng không thể lọai trừ kết quả trái ngược này vì giai đọan tiền triệu của sa sút tâm thần kéo dài, nhất là đối với bệnh Alzheimer”.
Để công bằng với nhận định kết quả trái ngược trên, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tình trạng hôn nhân gia đình hơn 20 năm trước khi khởi phát sa sút tâm thần hay suy giảm nhận thức. Họ cũng nhận định kết quả của tình trạng cô đơn. Một mẫu nghiên cứu ngẫu nhiên 2000 người (ở 2 khu vực đông Phần Lan) tham gia vào chương trình nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm về các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, tình trạng lão hóa và suy giảm nhận thức. Tác giả Krister Hakasson đứng đầu chương trình nghiên cứu và các đồng nghiệp Viện Karolinska phát hiện ra rằng những người tuổi trung niên ( trung bình 50,4 tuổi) có người sống chung ít khả năng cho thấy bị suy giảm nhận thức lúc về già ( lúc 65 – 79 tuổi) so với người sống độc thân, ly thân hoặc góa bụa.
Những người trung niên, người già góa bụa có tỷ lệ lệch 7. 67 ( 95 %CI, 1.6 – 40.0) đối với bệnh Alzheimer trong so sánh với người có gia đình hoặc có người sống chung. Trong quá trình theo dõi, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao nhất ở những người có allene apolipoprotein E e 4 bị mất người sống chung ở tuổi trung niên và sau đó sống góa bụa hay ly dị.
Để hiểu mối quan hệ giữa tình trạng hôn nhân gia đình và sa sút tâm thần, tiến sĩ Helmer gợi ý các nghiên cứu tương lai tập trung vào 2 vấn đề sau: 1. stress (các sang chấn) xảy ra bởi chia ly và hậu quả sinh học của các sang chấn này và 2. chất lượng hòa nhập xã hội. “ Sự hài lòng trong quan hệ xã hội có thể ít nhất cũng là yếu tố quan trọng như số lượng hòa nhập xã hội nhưng rất khó khăn đánh giá trong các nghiên cứu dịch tễ.”
Bs Phạm Văn Trụ BV TT TP Hồ Chí Minh.
Theo Higher Dementia Risk for Middle-Aged People Living Alone. Allison Gandey. MBJ. 2009;339:b2462